Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Đại tướng quân Lê Lôi - Lam Sơn khai quốc công thần.



                                                                          Lê Hải

Làng Cổ Định đến cuối thời nhà Trần đã  trở thành một vùng quê trù phú. Có thể gọi đó là làng khoa bảng cũng không sai. Bởi trong làng đã có nhiều con em thi đỗ đại khoa. Đặc biệt  vào thời Lý, Trần làng có 3 người được vua cử làm chánh sứ sang bang giao với nhà Tống, nhà Nguyên; có người làm tới chức Tể tướng, Thừa tướng.v.v…
Cuộc sống của hơn ba nghìn người lớn bé trong làng đang đầm ấm yên vui, người nông dân chăm lo cày cấy trên đồng, bậc nho sỹ miệt mài sôi kinh nấu sử thì tai hoạ ập đến với làng.

 
Năm Đinh Hợi – 1407, sau khi diệt được nhà Hồ, giặc Minh xâm lược tập trung đàn áp sự phản kháng của nhân dân Đại Việt. Cùng năm đó, vào tháng 10, Giản Định Vương ( Trần Ngỗi) lên ngôi, được Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân phò trợ, chống lại giặc xâm lược. Hai năm, sau, vào tháng 2 năm Kỷ Sửu – 1409, nghe lời gièm pha,  giết Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân. Cuộc khởi nghĩa của Giản Định Vương thất bại. Tháng 3, năm ấy – 1409, Nguyễn Cảnh Dị ( con Nguyễn Cảnh Chân) cùng Đặng Dung ( con Đặng Tất) lập Trần Quý Khoáng lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Trùng Quang( 1). Tuy nhiên, đến năm Quý Tỵ - 1413, cuộc khởi nghĩa của Trùng Quang Đế cũng thất bại.

              Một số hình ảnh nhà thờ Lê Lôi ở Tân Ninh, Triệu Sơn Thanh Hoá
  Thời bấy giờ, Nguyễn Chích- một người nông dân có sức khoẻ, võ nghệ chiêu tập binh mã, lập căn cứ tại núi Hoàng Nghiêu ( nay thuộc huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá) chống lại giặc Minh. Tướng giặc Minh là Trương Phụ, Mộc Thạnh nhiều lần mang quân đến vây diệt, nhưng lần nào cũng thất bại nặng nề. Nhận thấy, ngoài căn cứ Hoàng Nghiêu, thì cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Chích phụ thuộc nhiều vào việc cung cấp con người, lương thực của nhân dân quanh vùng, trong đó có làng Cổ Định.Vì thế , năm Ất Mùi – 1415, tướng giặc Trương Phụ xua quân đến vây giết cả làng . Đây là lần thứ hai, làng Cổ Định bị diệt chủng. Lần thứ nhất là cuộc tàn sát của Lục Dận khi đàn áp cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu năm 248. Gia phả các dòng họ lớn làng Cổ Định đến nay vẫn còn ghi rõ: “ Dư tam thiên nhân, Ngô tàn tận hẩy, tồn thập bát đinh”. Cả làng hơn ba nghìn người bị giết hại, bị bắt đưa về Trung Quốc, chỉ còn 18 người chạy thoát. Trong 18 người trai tráng chạy thoát ấy có ba vị sau này trở thành tướng quân dưới trướng của Lê Lợi là các ông Lê Lôi, Doãn Nổ, Lê Thìn trở thành các vị khai quốc công thần của thời Lê sơ.
Ông Lê Lôi còn có tên khác là Lê Thạnh. Ông là con trai thứ ba của Tiến sĩ, Thanh vận sứ Lê Duy Luật thời vãn Trần.  Khi giặc nhà Minh tàn sát làng Cổ Định, ba anh em Lê Luận, Lê Lại và Lê Lôi bị bắt. Trên đường đi, ông Lê Luận lớn tuổi hơn giả làm kẻ ngu đần, lợi dụng đêm tối ông thoát ra được và tìm cách cứu hai em. Khi giặc Minh phát hiện thì các cụ đã chạy trốn vào rừng. Cụ Lê Lôi còn trai tráng, có sức khoẻ, có võ nghệ tìm về Lam Sơn theo lời hiệu triệu của Lê Lợi. Cụ là người có mặt trong đêm Hội thề Lũng Nhai.(2) Từ đó, ông trở thành một trong những vị tướng dưới trướng của Lê Lợi, cùng Lê Lợi nằm gai, nếm mật, xông pha trận mạc. Khi cuộc khởi nghĩa mới nhen nhóm, giặc Minh nhiều lần vây đánh, dụ hàng. Chúng còn hèn hạ đào mộ của bố Lê Lợi ( Phật Hoàng) mang hài cốt đi, hòng buộc Lê Lợi quy thuận. Để giúp chủ tướng, trong đêm tối ông Lê Lôi một mình bơi thuyền xuôi sông Chu đuổi theo thuyền giặc, giành lại được hài cốt của Phật Hoàng.(3)
          Trong 10 năm tham gia kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, ông Lê Lôi đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, lập nhiều chiến công vang dội. Điển hình là ông tham gia những chiến dịch lớn của Bình Định Vương trong các trận đánh sau:
 Trong hai tháng 9 và 10 năm Giáp Thìn – 1424, tướng quân Lê Lôi theo đại quân của Bình Định Vương ( Lê Lợi) tiến vào thành Nghệ An.: “ Lúc bấy giờ tướng nhà Minh là bọn Trần Trí, Phương Chính, Thái Phúc, Sư Hựu đem quân vào tiếp viện Nghệ An, gặp quân vua ở Trà Lân. Quân và voi của vua phục ở khoảng giữa rừng, nhử Trần Trí, rồi đón đánh quân Minh tan vỡ chết nằm gối lên nhau, bọn Trí cấp tốc phải chạy về thành Nghệ An cố thủ…” (4). Mô tả chiến thắng này, trong bài BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO, Nguyễn Trãi đã viết: Trận Trà Lân trúc chẻ tro bay .
Năm Ất Tỵ - 1425, Bình Định Vương nhận thấy quân Minh liều chết cố thủ hai thành Nghệ An và Diễn Châu, tin tức về Đông Quan bị cắt đứt, còn các xứ Tân Bình, Thuận Hoá ( Quảng Bình, Thừa Thiên Huế) xa xôi cũng không liên lạc được với Đông Quan, chỉ cần ít quân vẫn có thể đánh thắng. Vì vậy, Lê Lợi : “ Bèn sai Tư đồ Trần Nguyên Hãn - lúc này cụ Lê Lôi đã là Thượng tướng quân, phó tướng của Tư đồ - và Thượng tướng quân Lê Nổ ( Doãn Nổ) đem quân tiến thẳng đến Tân Bình, Thuận Hoá. Lại sai các tướng Lê Ngân, Lê Bôi, Lê Văn An đem 70 chiếc thuyền chiến vượt biển đến tiếp ứng. Tướng nhà Minh là Nhậm Năng Phương đem hết quân đón chặn ở Hà Khương, bọn Ngân đón đánh tan hết, quân dân Tân Bình, Thuận Hoá đều quy thuận…Bình Định Vương có cả vùng này…” ( 5). Trong trận chiến này, Thượng tướng quân Lê Lôi được Tư đồ Trần Nguyên Hãn giao cho một cánh quân chủ lực cùng voi chiến phục binh, chờ khi quân giặc đến giao chiến, bất ngờ đánh vào sườn quân giặc, chia cắt đội hình của chúng để tiêu diệt.
 Mùa hạ, tháng 4 năm Đinh Mùi – 1427, bọn Vương Thông bị vây khốn ở thành Đông Quan. Vua nhà Minh sai  hai cánh quân sang cứu viện. Cánh thứ nhất do An Viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy đánh vào cửa ải Pha Lũy ( Lạng Sơn). Cánh thứ hai do Thái phó Kiềm quốc công Mộc Thạnh đeo ấn chinh Nam tướng quân, đánh vào cửa ải Hoa Lê (Tuyên Quang). Thượng tướng quân Lê Lôi được Lê Lợi cử cùng tướng quân Lê Khả ( Trịnh Khả) tiến đánh tiêu diệt các vị trí đóng quân của giặc Minh từ Việt Trì đi ải Hoa Lê. Sau khi giành thắng lợi, hai ông cho quân di chuyển lên ải Hoa Lê phối hợp cùng  PhạmVăn Xảo chống lại Mộc Thạnh. “ Tổng binh Vân Nam Kiềm quốc công Mộc Thạnh cầm cự với bọn Phạm Văn Xảo, Lê Khả ở cửa ải Hoa Lê. Vua tính liệu rằng: Thạnh tuổi đã già, sự đời từng trải, tất ngồi xem Liễu Thăng thành hay bại, không chịu tiến lên, mật báo với bọn Khả đặt quân mai phục đợi chờ đánh. Đến khi quân của Liễu Thăng thua. Vua sai đem bọn tỳ tướng bị ta bắt cùng với sắc thư, phù ấn đưa đến quân của Thạnh. Thạnh trông thấy, đại quân sợ hãi tan vỡ. Xảo, Khả thừa thắng tung quân đánh tan ở ngòi nước lạnh. Thạnh chỉ còn một mình cưỡi ngựa chạy. Ta bắt được khí giới, áo giáp, xe cộ nhiều gấp hai lần ở Xương Giang”. (6)
Sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, mùa xuân năm      Mậu Ngọ - 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Thuận Thiên; đồng thời phong thưởng cho các tướng. Ông Lê Lôi được phong: Ngân thanh quang lộc đại phu Xa kỵ Đại tướng quân, tước Quan nội hầu. Sau đó, ông Lê Lôi được cử làm: Tuyên phủ đại sứ Thái Nguyên hạ bạn, ít lâu sau, ông được điều về làm: Xa kỵ đồng tổng quản kiêm Đô tổng quản quân sự phủ lộ Thanh Hoa( Thanh Hoá- gồm cả Ninh Bình, ngày nay) . Ông giữ chức vụ này cho đến khi mất, thọ 78 tuổi.
Một đời vì “ nợ nước thù nhà” ông Lê Lôi , đem hết công sức, tài nghệ phò trợ Lê Lợi giành được độc lập cho đất nước. Tấm lòng trung trinh quả cảm của ông được đánh giá xứng đáng. Khi ông mất, các con là Lê Vinh, Lê Cầu, Lê Hạ được Triều đình trọng dụng. Ông Lê Lôi có ba người cháu nội đều là những bậc khanh tướng của Triều Lê, riêng ông Lê Uyển ( Hiến) làm tới chức: Đô đốc cẩm y vệ phụ quốc Thượng tướng quân, Đô chỉ huy sứ.
Ngày nay, tại làng Cổ Định, kế bên đền thờ Luật quốc công Lê Thân có ngôi đền khang trang, rộng rãi do con cháu sau này lập nên để tôn thờ : Xa kỵ Đại tướng quân Lê Lôi – một vị khai quốc công thần thời Lê sơ.
Sau khi ông Lê Lôi mất, được đặt tên thuỵ là Hoà Chính. Vì vậy, con cháu sau này tại làng Cổ Định thêm chữ lót sau họ Lê là Hoà Chính, hoặc Lê Đình.
                                    Nhà bia

                                                                                              

Chú thích:

(1)- Đại Việt sử ký tiền biên ( Ngô Thì Sĩ), trang 534, NXB KHXH, 1997.
(2)- Gia phả dòng họ Lê Hoà Chính( Tân Ninh, Triệu Sơn,Thanh Hoá).
(3)- Gia phả dòng họ Lê Hoà Chính ( Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hoá)
(4)- Đại Việt sử ký tiền biên ( Ngô Thì Sỹ), trang 555, NXB KHXH, năm 1997.
(5)- ĐạiViệt sử ký tiền biên ( Ngô Thì Sĩ), trang 555, NXBKHXH.năm 1997.
(6)- ĐạiViệt sử ký tiền biên ( Ngô Thì Sĩ), trang 556, NXB KHXH, năm 1997

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét