Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Đền Nưa và giai thoại ( đã đăng)

Đền Nưa nằm ngay ở cửa rừng Nưa, gần cuối con đường lớn của làng đi vào núi Nưa ngày nay. Từ  xưa lắm cộng đồng thị tộc nguyên thủy đầu tiên mang tên Chạ Kẻ Nứa xuất hiện ở đây, đời sống  vật chất tinh thần  ngày càng phong  phú lên, mọi người xếp ở cửa rừng Nưa một bệ thờ  bằng  ống  bương. Dưới chân bệ thờ một ống  bương  to dài đựng nước suối. Các vị tiền bối, con chá, chạ chiềng đó đã thờ vị Tiên – Thiên thánh mẫu Na Sơn thượng ngàn, người mẹ ngàn Nưa đã sinh ra con cháu chạ chiềng lúc ấy và vô vàn con người ngày nay.
TAM QUAN ĐỀN NƯA
          Người mẹ đầu tiên vô vàn phép lạ, màu nhiệm đã che chở cho dân làng, hù hộ độ trì cho họ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, tai qua nạn khỏi.
Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, sinh ra một cái bọc trăm trứng, nở ra trăm người con, sau đó 50 người con theo cha xuống biển có nàng công chúa thứ ba là Tam Giang được vua cha dạy cho phép là và giao cho cai quản 12 cửa biển và 82 bộ lạc trong toàn cõi, có nhiệm vụ trông coi nước nôi để làm ruộng ăn uống, tắm rửa.
Trong một lần du hành vào ngàn Nưa, bà đã gặp bà chúa Thượng ngàn núi Nưa, và say cảnh ở đây. Đồng thời bà đã giúp bà chúa Thượng ngàn tiêu diệt con thuồng  luồng khổng lồ ở sông Mực làm đen nước sông mực. Sau khi diệt xong con yêu nghiệt, nước sông Mực trở nên trong xanh như ngày nay, nhưng tên con sông cũ vẫn còn đến ngày nay…
Khi bà Tam Giang công chúa chi tay Na Sơn Thượng ngàn, bà Thượng ngàn thánh mẫu có hỏi : Nếu sau này có hạn hán, lụt ội xảy ra thì làm sao để trừ? Tam Giang công chúa dặn lại : Chỉ cần thắp một nén nhang quay mặt về Nam Hải khấn mời bà, bà về sẽ giúp cho. Đó là người đàn bà thứ hai được thờ ở đây, trên bệ thờ đầu tiên ở ngàn Nưa.
“ Na Sơn thất phiến, long nhất phiến, hổ nhất phiến, nhất hô vạn biên! ”
Lời sấm truyền về phong thủy ngàn Nưa này, đến năm 248 ứng vào vận mệnh một người con gái nổi tiếng tỉnh Thanh đó  là Triệu Trinh Nương. Cuộc khởi nghĩa của Bà xuất phát từ căn cú ngàn Nưa đã làm quân Nhô bạt vía, xiên hồn.
Sau khi bà qua đời, nhân dân vô cùng thương xót, để tỏ lòng kính trọng đối với một nữ anh hùng dân tộc kiệt xuất, nhân dân đã phối thờ ở đền Nưa cho đến ngày nay. Ngoài ra đền còn thờ các bà: bà Ba Thoải – người hầu cận tâm phúc của Na Sơn Thượng ngàn thánh mẫu, bà Nguyễn Thị Liễu, tùy tướng cận vệ của Bà Triệu. Sau này một số tín đồ thờ mẫu bà con Cổ Định xin chân hương ở phố Cát, đèn Sòng thờ Liễu Hạnh công chúa về phối thờ ở đây. Mãi đến thời kỳ Tự Đức, nhà Nguyễn mới dựng đền Nưa khang trang, lộng lẫy đẻ xứng đáng với các vị thánh mẫu nhân câu chuyện sau đây: Tri huyện Nông Cống lúc ấy là Cao Bá Đạt tổ chức một đội đi săn vào ngàn Nưa để săn một hươu đen tiến vua. Vây bắt mãi cuối cùng mới được một con hươu vàng. Tối hôm ấy thầy trò làm lều ngủ trên núi Yên Ngựa, sau một ngày lùng sục săn bắn vất vả, ông lăn ra ngủ say. Trong giấc ngủ ông thấy một người đàn bà ăn vận trang phục người Mường, áo trắng ngắn, váy màu đen , đầu chiết khăn trắng của đàn bà Mường xuất hiện báo mộng cho ông: “ Ngày mai thắp hương cầu ta rồi tiếp tục săn sẽ bắt được hươu đen”. Ông mừng quá giật mình thức dậy, hoa rừng huyền bí còn phảng phất, ông ngồi bó gối một lúc rồi lăn ra ngủ tiếp.Sáng dậy ông gọi đám phường sưn người địa phương, hỏi chuyện thì mọi người đều nói: ở cửa rừng có một bệ thờ đức thánh mẫu rừng Nưa. Ông đã đi đến đó, kính cẩn thắp 3 nén nhang rồi lim dim cầu khấn : “ Xin thánh mẫu phù hộ, độ trì cho phường săn của huyện hôm nay bắt được hươu đen. Nếu được sau này sữ làm đền khang trang thờ cúng, hương khói”.
Ao trước Đền Nưa
Sau khi thắp hương, khắn xong, ông tiếp tục đôn đốc phường săn lùng tiếp. Trong  lòng nửa tin, nửa ngờ. Đến nửa trưa thì được tin mừng của một cánh báo về đã săn được một con hươu đen, cả phường săn vô cùng vui mừng, tiếp tục lùng sục, ít lâu sau một cách khác lại reo hò báo tin về bắt được một con hươu đen nữa. Tri huyện vô cùng phấn khởi, cho hươu vào củi rồi ra lệnh tiến quân.
Sau khi đưa hươu về triều đình tiến vua, ông kể lại sự việc săn bắn, nhân tiện xin cho làm đền thờ cúng Na Sơn Thánh mẫu thượng ngàn. Ông đã về cùng dân lập đền thờ đẹp đẽ, khang trang. Tuy nhiên chưa làm tam quan. Sau này đến khi sửa sang, tân trang lại, một số bô lão vào tận Huế thuê thợ xây dựng cung đình Huế về làm cửa tam quan đền Nưa. Cửa xây xong thực sụ là một nghi môn đẹp, đầy tính nghệ thuật, các cảnh tượng trang trí lấy trong các chuyện cổ tích, trong “ Tam quốc chí” như : “ Tam Anh cầu Gia Cát” , “Trương Phi phá cầu Trường Bản”,”Phùng Mậu hạ sơn” ( Trong câu chuyện “ Tam hạ Nam đường” ).
Sau Cách mạng  tháng Tám, 1945, đến khi bước vào thời kỳ đả phong, xây dựng nếp sống mới, chống mê tín, dị đoan. Nhưng do cực đoan, thái quá, đền không còn ai trông coi để hoang phế. Hai ông hộ pháp canh cửa uy nghi, lẫm liệt và sống động là thế, kẻ trộm nghi trong bụng ông chứa của quý, vàng bạc đã đang tay đục bụng ra. Cuối cùng tượng cũng bị đục nham nhở rồi hư hỏng, sụp đổ, còn đền Nưa một chùm bom Mỹ ném trúng tan tành, chỉ sót  lại cửa Tam quan, nhưng bị sứt sẹo, nham nhở như hiện nay.
Đền mới hiện nay, chủ yếu do bà con hội lễ đền Nưa, Am Tiên quyên góp công của xây lại.Thẳng thắn mà nói thua xa đền cũ ngày xưa nhiều, tuy vậy năm 1992 , cả quần thể đền chùa trên đỉnh Am Tiên, đền Nưa, nghè Giáp đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh và được nằm trong danh sách bảo vệ.
Đền cần được tiếp tục trùng tu

1 nhận xét:

  1. Thật đau lòng ngày ấy ở đâu cũng phá đình phá chùa.Người ta không hiểu văn hóa và bản sắc dân tộc là gì.Thế nào là duy tâm? Thế nào là duy vật.Đến bây giờ phải xây dựng lại tốn kém không biết bao nhiêu tiền của.

    Trả lờiXóa