Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Người của Trường Sa

Bài 1: Những anh hùng trên biển

Hải quân Nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 7-5-1955, đến nay đã tròn 56 năm. Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng đã không ngừng phấn đấu, hy sinh và lập nhiều thành tích, chiến công bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Quân chủng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân Ngày truyền thống của Quân chủng, xin được giới thiệu bài viết của nhà báo Quốc Ninh về những người đã anh dũng hy sinh và những người đang tiếp tục xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa…
Ông Măng Đung Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thắp hương tại Lễ tưởng niệm các Liệt sĩ hy  sinh tại quần đảoTruờng Sa
 Tháng 4-2011, tôi cùng đoàn của 54 dân tộc anh em về với Trường Sa. Đoàn do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình dẫn đầu đến thăm và làm việc với huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Khi đến vùng biển của đảo Cô Lin, Gạc Ma, chúng tôi đã dừng lại làm lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong sự kiện ngày 14-3-1988 và tại nhà giàn Phúc Tần và Phúc Nguyên nơi bão tố năm 1990 đã cướp đi sinh mạng của những người trấn giữ biển đảo của Tổ quốc. Buổi lễ được tiến hành nghiêm trang và trọng thể. Các đại biểu đã xúc động thắp hương, kính cẩn nghiêng mình trong khúc nhạc “Hồn tử sĩ” và tiếng còi tri ân rền vang của tàu HQ 996.

Đại tá Hoàng Ngọc Dương- người đã từng có gần chục năm sống trên các đảo Trường Sa, nay là Trưởng phòng Dân vận thuộc Cục Chính trị Quân chủng Hải quân xúc động kể lại: “Cách đây 23 năm, vào ngày 14-3-1988, có một trận chiến của đơn vị Hải quân Việt Nam chống lại cuộc tấn công phi lý, xâm lược của Hải quân nước ngoài tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, chúng với mưu đồ thôn tính các đảo Trường Sa của Việt Nam. Dù lực lượng không cân sức nhưng cán bộ chiến sĩ của tàu HQ 505, 506, 604, 605 thuộc Lữ đoàn 125 và các chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 146; Trung đoàn Công binh 83 đã anh dũng chiến đấu, dũng cảm hy sinh.
Hôm ấy, trên boong tàu HQ 996, chúng tôi dâng hương và thả vòng hoa xuống biển, nơi hài cốt các anh còn nằm đó dưới biển sâu. Đó là anh hùng Nguyễn Văn Lanh bị thương vẫn không rời trận địa. Và không thể nào quên hình ảnh của Thiếu úy Trần Văn Phương- Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ địch, anh đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình động viên đồng đội, với câu nói bất hủ: “Không được lùi bước. Phải để cho máu của mình tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Là hành động thật anh hùng của Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, đứng trước tình thế mất đảo trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy chiến đấu đưa con tàu HQ 505 lao vào đảo chìm Cô Lin biến con tàu thành “thành lũy” chống lại kẻ địch, khẳng định chủ quyền biển, đảo. Và còn bao tấm gương cao đẹp khác mà chúng tôi không thể kể hết. Chính nơi đây, 64 cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống vì biển, đảo Trường Sa, vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các anh đã tạc thêm khí phách hào hùng của Hải quân Việt Nam, khí phách của người huyện đảo Trường Sa vào lịch sử hào hùng của dân tộc...”.
Khi đến nhà giàn Phúc Tần thuộc “Cụm Kinh tế-Khoa học-Dịch vụ” trên thềm lục địa phía Nam, chúng tôi còn được nghe những hành động quả cảm và tình đồng đội, tình người đến nao lòng. Ấy là, những năm 90 cuối thế kỷ trước và những năm đầu thập niên thế kỷ XXI, bão tố đại dương hung dữ đã cướp đi tính mạng của những chiến sĩ hải quân, của nhân viên trấn giữ và nghiên cứu tiềm năng kinh tế biển đảo ở các nhà giàn. Còn nhớ, chiều 14-12-1990, khi cơn bão số 10 có sức gió trên cấp 12 đã quật đổ nhà giàn Phúc Tần quăng 8 cán bộ chiến sĩ xuống biển khơi sóng dữ. Giữa lúc cận kề cái chết, Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng- Phó Chính trị viên, Bí thư chi bộ nhà giàn vẫn động viên anh em phải kiên cường trong sóng dữ. Trong bão tố, anh đã kéo đồng đội về phía mình nhường chiếc áo phao đang mặc trên người và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội, để rồi mãi mãi ở lại với biển vào chiều 15-12-1990.
Còn nhiều tấm gương của các liệt sĩ quả cảm, hy sinh mà chúng ta mãi mãi khắc ghi: Đại úy Vũ Quang Chương- Chỉ huy nhà giàn Phúc Nguyên, hy sinh trong tư thế quấn cờ đỏ sao vàng quanh mình; là đảng viên Nguyễn Văn An; là lời chào qua bộ đàm của Chuẩn úy Lê Đức Hồng: “Vĩnh biệt đất liền” để ra đi mãi mãi. Còn nữa, những liệt sĩ dũng cảm hy sinh mà vài trang viết khó có thể kể hết…

 Khi ngồi viết những dòng này, bên tai tôi vẫn nghe đâu đây lời của sóng gió đại dương rằng: Các anh ra đi vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, hát tiếp khúc tráng ca của “Bộ đội Cụ Hồ”. Rằng “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”. Huyện đảo Trường Sa đã có thêm nhiều công trình vững chắc, cả đời sống vật chất và tinh thần, có trường học cho trẻ em, có công trình phúc lợi cho quân dân… một Trường Sa đang đổi thay phát triển cả về kinh tế-xã hội, vững mạnh về quốc phòng-an ninh… Mong các anh thanh thản yên nghỉ và cùng chúng tôi quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, để Trường Sa mãi mãi trường tồn.
Nghệ sĩ Nhà hát Đam San ( Gia Lai) thắp hương

Và Nhà sư


Man mát tuởng nhớ hương hồn các liệt sĩ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét