Nhớ - nghĩ từ Hà Nội
Tạp văn
của Trần Chiến
Áp rằm tháng bẩy, đang kỳ nắng thu làm rám
trái bưởi non, Hà Nội làm “Những ngày văn hóa Tây Nguyên lần II –
2012”, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cùng Trung tâm triển lãm
Văn hóa nghệ thuật Việt Nam thực hiện. Tôi ra số 2 Hoa Lư xem triển
lãm, thơ thẩn qua các gian trưng bầy của Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông, Kon
Tum, Gia Lai, nhìn ngắm những xà gạc K’ho, chạc buộc voi M’nông, mô
hình nhà dài Ê đê… Gian Đăk Lăk có ông nghệ nhân làm đàn từ quả bầu
khô và những ống nứa còn xanh khá thu hút. Gian Gia Lai thì gặp lại
những gì khá quen thuộc: tượng nhà mồ Jrai, chiêng Kđơ, ống tên, ché,
gùi, sách nghiên cứu của Từ Chi, Nguyễn Thị Kim Vân, sử thi Bahnar
dịch ra tiếng Việt… Kể làm được thế đã là kỳ khu lắm. Nhưng mình
đã chót dính vào Tây Nguyên, thấy cả cái không gian sống bí ẩn, vĩ
đại thế bị nhốt vào những “gian trưng bầy”, cứ hơn trăm mét vuông
một, nó rất bí hãm, ngột ngạt đến vô hồn. Tôi có một Tây Nguyên của
mình cơ mà, dù chỉ là những mảnh mẩu…
Vòng xoang Tây Nguyên
Tôi biết Pleiku từ năm 1978, còn là thị xã.
Những ngôi nhà gỗ núp dưới bóng thông, những con đường lên xuống vòng
vèo, tưởng đã “kịch” lại rẽ sang ngả khác. Đàn bà Thượng, tôi không
phân biệt nổi sắc tộc gì, gùi dăm ba quả bí, mớ rau xuống chợ. Chợ
xôn xao tiếng nói, sắc phục, sản vật lạ. Một không gian đi bộ rất
thú vị, mỗi bước mỗi khám phá. Đến nỗi mà gập ghềnh trên xe chở
đạn của quân khu Năm sang Cam pu chia, nhìn ngắm cảnh vật, những ngọn
đồi dài mê mải, tôi chỉ ước ao chỗ này chỗ kia lên được cái tượng
đài, hình thù gì đó chưa hình dung ra, nhưng ắt là “hoành tráng lệ”
rồi. Và còn những cảm giác khác, kèm theo kì vọng…
Đấy là thời kì biết rất ít, đi chưa mấy, chả
quen ai, trừ nhà thơ Lê Nhược Thủy, cùng câu anh khoe “thời ấy (trước
’75) mà tôi đặt tên con gái là “Hà Nội”. Tôi trở về thủ đô, đem theo
quan niệm của các nhà địa chất địa lý học cùng đoàn, là Tây Nguyên
không nên san đồi trồng lúa nước. Báo cáo thu hoạch lên đơn vị, là cơ
quan thuộc tổng cục Chính trị Quân đội, thì bị đánh giá “thiển cận”;
một sự nghiệp vĩ đại đang có hàng vạn chiến sĩ tham gia, sao có thể
nghĩ vậy.
Nhiều năm sau, thỉnh thoảng tôi có dịp được trở
lại Tây Nguyên. Mỗi lần thế lại thấy thêm nhiều giá trị, nghĩ ngợi
khác hơn. Vùng đất này được giới nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn đánh
giá rất cao. Ít ảnh hưởng các nền văn minh Trung (như miền Bắc) - Ấn (như miền
Nam), đây được coi là bảo tàng sống có giá trị ngang văn hóa Đông Sơn. Bên cạnh
những biện pháp củng cố địa bàn chiến lược về an ninh, quốc phòng, Nhà nước đầu
tư nhiều chương trình kinh tế, xã hội, đem đến các thiết chế văn hóa mới, tạo
ra sự thay đổi nhanh chóng. Dầu thế nào, tôi chỉ nhìn những thay đổi ấy
dưới khía cạnh văn hóa, thiên về bảo tồn. Thế nên cảm giác tiếc
nuối, hồi cố cứ thành ra “chủ đạo” khi nhớ về, nghĩ về mảnh đất
có cô em “má đỏ môi hồng”.
Chẳng hạn, nhớ rằng tạp chí Ngok Linh ra cách nay
mươi năm cho biết Tây Nguyên có một triệu người bản địa (Ê đê, Jrai, Ba na,
K’ho…) và ba triệu người nơi khác tới, cả theo kinh tế mới có quy hoạch, hạ
tầng kèm, cả đi tự do.
Chẳng hạn, thi thoảng mân mê quả bầu khô để
giữa bàng vuông Trường Sa, tượng đồng vua khỉ Cam pu chia…, những vật
dụng đánh dấu các chuyến đi. Ấy là hôm cách đây vài năm, đi cùng cô
bạn nhỏ Phương Duyên của báo Gia Lai đến “ngôi làng còn năm “linh hồn”. Trước
con dốc dựng đứng, xe con của báo phải dừng lại. “Các anh phải đi bộ tiếp
thôi”, bác tài nói rất áy náy. Nắng nóng làm xộc bụi trên đường, lên rồi lại
xuống, người lúc nào cũng như thiếu nước. Những con rẫy vừa qua mùa đốt đen
thủi hun nốt chút ẩm ướt trong không gian lơ lửng tro than. Nhưng khi cổng làng
hiện ra, chúng tôi biết ngay mình đã không phí công chút nào.
Kon Sơ Lah cách trung tâm xã Hà Tây (huyện Chư Pah)
bẩy cây số, gọi là “làng cũ”, vì dân đã chuyển ra nơi mới từ năm 2002 cả. Định
cư, nhưng nơi canh tác vẫn như cũ, nên người ta vẫn đi về làm rẫy, chăm gà lợn.
Một ngôi làng Ba Na điển hình. Nghĩa là còn cổ thụ thả bóng, bến nước, năm
“giọt nước” dẫn từ khe về, vườn trồng rau, cà đắng, khu nhà mồ. Năm chục nếp
nhà tranh sàn gỗ, vách thưng tre nứa hay trát đất trộn rơm hướng về ngôi nhà
rông mái vút lên trời xanh. Như một “bức sắp đặt” có ý tưởng chặt chẽ, nhưng
lại nguyên sơ, sống động, nó gợi lên những cảm giác khó tưởng. Phương Duyên
bảo có một ý thơ so sánh nó với đàn gà con quây quần quanh mẹ. Thế mà
cách nay hơn chục năm, đoàn làm phim tài liệu “Tây Nguyên” của nhà văn Nguyên
Ngọc phải kêu trời vì không kiếm được một ngôi làng Ba Na nguyên bản; chỗ nào
cũng chen vào những mái tôn, nhà xây.
Những ngôi nhà im lìm cửa nẻo. Ảnh: Lam Nguyên
Chúng tôi tha thủi dưới bóng xoài, mít, tha hồ ghé mắt
vào vách liếp. Tiếng quả non rụng độp độp càng làm tăng vẻ hoang vắng. Có cảm
giác như thời chiến tranh, làng lên rừng tránh một trận càn rồi trở về, sắp trở
về chăng? Thật thì có, nhưng là để đưa tiễn ai đó về chốn vĩnh viễn với thần
linh. Ngôi nhà rông vững chãi lợp tranh dày cả gang tay mát mẻ, bên trong có
bếp lửa lạnh, vương vãi tấm chăn, quả bầu nước, ché rượu khô khốc. Bên cạnh là
nhà nguyện treo trống lớn, bàn thờ Chúa thật đơn sơ như đức tin chân phác của
những con người từng sống nơi đây. Giờ thì còn lại năm người, gọi là năm “linh
hồn” - vì người “trẻ” nhất cũng đã ngoại bẩy mươi. Không biết tiếng Bahnar, rất
khó “phỏng vấn”, rút cục chúng tôi vẫn biết được tên họ, là các bôk (ông)
Hnhil, Chik, Chưng, vợ chồng Kơch, Dyơi. Ở đây cả đời rồi, chết đây thôi, họ
không thể “thích nghi” nữa. Chiều xuống, năm già sẽ quây quanh nhà nguyện. Quây
quanh thôi, chắc gì đã trèo lên sàn được cả. Có lẽ lúc đó chỉ còn những linh
hồn “bản thể”. Không gì có thể đơn sơ hơn.
Bok Hnhil đã gần trăm tuổi cười trơ lợi, hồ hởi đón
khách lên sàn, nhắc đi nhắc lại một lời khi nhận chút quà mọn, chắc là cảm ơn.
Bok Chưng quấy nồi lá sắn thả vài con cá hong khô trên bếp, thả vào cả thìa
muối to tướng. Bập bẹ tiếng Kinh, già kể đi lính cho chế độ cũ, đóng Kon Tum,
con trai ngoài làng mới vẫn về thăm khi đi rẫy, cháu thì ít khi lắm. Hỏi thế
một mình buồn không, sao không ra làng mới, chỉ thấy lầm bầm tiếng Ba Na. Bao
thuốc được tặng, già chỉ hút một điếu “còn để dành cho con”.
Vót tre đan gùi cho con cháu. Thú vui của bok Hnhih khi một mình ở lại làng cũ.
Ảnh: P.D
Làng Kon Sơ Lah di ra chỗ mới, quy hoạch kiểu bàn cờ,
với đầy đủ hạ tầng, điện đường trường trạm, nhà rông… Chỗ này chẳng theo Tin
Lành nên nghi lễ cúng bái, cồng chiêng không bị rơi rụng mấy. Dân giàu lên nhờ
cà phê, bời lời, nhưng so với làng cũ không ấm áp bằng. Phương Duyên kể lần
trước vào, chủ tịch xã Đinh Sưk tiếc rẻ “giá như đường lớn của công ty cao su
Chư Pah (có năm 2008) làm sớm hơn thì không phải dời làng”. Chủ trương định
canh định cư là rất đúng đắn, nhưng khi áp dụng cụ thể lại nảy ra những vấn đề
chả nhỏ: xây dựng hạ tầng cho khu mới so với đưa điện đường trường trạm vào
từng thôn đang có nguyên, cách nào không tốn kém hơn? Và đồng bào bản địa du
canh hay luân canh? Làm những ngôi nhà đẹp, chắc chắn, ngôi làng đẹp theo ý chủ
đầu tư, sao họ còn ra nhà rẫy ở? Đấy là tính toán kinh tế. Còn về văn hóa thì
chỉ có thể nói là làm đứt cội rễ.
Dời làng Kon Sơ Lah cũ ra đường cái lớn, chúng tôi may
mắn gặp nhiều bóng cây Kơ nia, một biểu tượng của Tây Nguyên. Câu chuyện về nhà
rông, cũng là một biểu tượng, nghe rất buồn. Làng nào cũng có nhà rông, phải
dựng lấy để thể hiện sự khéo léo, giỏi giang của mình, không dùng thợ chuyên
nghiệp. Cả ngàn làng ở Gia Lai năm 2004 chỉ còn 524 ngôi mà cũng không đầy đủ
chiêng, ché, vũ khí, chỗ cất vật thiêng. Thay vào đấy là nhà rông văn hóa,
thường do doanh nghiệp, dự án xây, bê tông đá hoa mái tôn cùng bàn ghế “kiểu
hội trường”. Nóng kinh người đã đành, nó không có linh hồn, không được làm lễ,
nên nhiều chỗ đóng im ỉm. Người ta cứ rượu cần cồng chiêng trong ngôi cũ nhỏ
bé, sập xệ, ám khói nhưng tổ tiên ngự trị. Họa sĩ Xu Man đã vẽ cho nhà rông văn
hóa quê ông rồi không quay lại đấy lần nào. Tức là nhà rông nói riêng, di sản
văn hóa nói chung, đâu phải thứ cho tặng được, có tiền không phải cứ lôi được
con người “xềnh xệch đến văn minh” được.
*
Bây giờ, là một hình ảnh được nhớ tới, một
trong ba triệu “dân mới” của Tây Nguyên mà tạp chí Ngok Linh thống kê ở
trên.
Vạm vỡ, đen thủi, mồ hôi dầu, tay chai và rắn nhưng
lại sơ mi An Phước buông tay, giầy Ý, thắt lưng da thật, những nét tương phản
ấy khiến tôi bắt quen với Hưng lúc chờ chuyến bay Pleiku. Anh rất hay chuyện,
gặp nhà báo lên viết về Tây Nguyên thì đổ ra ào ào, rằng mình quê Thái Bình
chưa được sào một khẩu, vào lúc còn “rừng núi âm u thầy u kính mến”, đến nay đã
thành cà (phê) với tiêu điều (hồ tiêu và đào lộn hột) cả.
Năm đầu hết sức khó nhọc, chỉ làm thuê nhưng không bao giờ tính chuyện quay ra,
đất đai quá tốt, “cắm cái bút chì cũng lên cây” mà. Và bộn, phát tha hồ. Nay
anh có năm hát a cà tưới bằng vòi
quay như trong phim, giá vụ rồi có lúc lên năm chục nghìn một ký, đầu máy vừa
kéo móoc xay hạt vừa khoan giếng, rồi xây nhà lớn, sắm két giấu tiền, gửi con
học trường Việt Mỹ trong Sài Gòn, lần này về quê ăn cưới mừng cháu chỉ vàng,
lại góp bộ đồ thờ cho nhà thờ họ. “Ở chốn gốc có nằm mơ cũng không dám nghĩ
mình đang được thế này”. Hỏi về người dân tộc, Hưng bảo ối giời, Tây Nguyên giờ
là đất của 54 dân tộc cả nước rồi, liên hoan văn nghệ xã có xoang, đàn đing năm bản địa, lại then và tính tẩu Tày, múa chuông Dao. “Mà
người Gia Rai chỗ em lạc hậu lắm, phân trâu bò không biết nhặt bón lúa đã đành,
nhưng doanh nghiệp làm cho cái nhà rông bê tông khang trang, bàn ghế hẳn hoi
không lên, cứ tụ bạ uống rượu đàn hát trong nhà rông sập xệ khói đen thui. Nhà
chương trình tái định cư xây không xịn nhưng ở được chứ, lại điện đường trường
trạm chứ, mà họ lại ra rẫy nằm với muỗi”. Hưng rất hào phóng, luôn miệng “ba số
đây anh hút Thăng Long làm gì” và “bia lạnh anh viêm họng uống không sao đâu”…
Những lời mời quá nhiệt thành, bất kể bên kia có tiếp nhận được
không, khiến tôi lan man sang một liên tường không mấy “lề phải” khác:
liệu ông người Kinh này làm cán bộ xã thì có “mời” người bản địa
bỏ tín ngưỡng, văn hóa rừng để được “tiến bộ” cho bằng mình không?
Và những toan tính làm ăn, sinh tồn khôn ngoan của “dân mới” so với
những hồn nhiên thô mộc của người bản địa, thì về mặt văn hóa, đạo
đức, cái nào có giá trị hơn?
*
Đang là đất hứa cho người cả 54 tỉnh thành cả
nước, không gian cho văn hóa rừng cứ co hẹp mãi lại. Vậy thì đâu là
chỗ sống của di sản, thứ di sản gắn với đời sống đồng bào bản địa
chứ không phải thứ đem trưng bầy trong bảo tàng, triển lãm?
Sử thi, trường ca, bài cúng, xoang (múa)…, là những của
cải hết sức quý báu. Sinh ra, phát triển trong ánh lửa bập bùng, nhà sàn cọt
kẹt, giờ đem ra đường phố, các liên hoan, hội diễn, trình bày cho khách du lịch xem dưới ánh đèn điện sáng
choang, thì chưa thể yên tâm “cá” đã có “nước”. Mà những hoạt động văn nghệ, lễ
hội ấy thường rất tốn kém so với việc lo “nước”. Đã có làng “dấy lên” phong
trào đặt tên con theo phim Hàn Quốc.
Ông Kror Krơn,
nguyên UV TƯĐ, Bí thư tỉnh ủy Gia Lai có một đánh giá tích cực: “Việc dạy chữ
Gia Rai trong bậc tiểu học mấy năm gần
đây khiến tục đa thần giáo (cúng cây thiêng, bến nước, đất đai, sông suối) trở
lại, đỡ “đất trống” cho tôn giáo khác vào”. Nhưng văn hóa, cũng như tri thức
sống, cần một quá trình xây đắp dầy dặn, công phu, với mục đích riêng.
Đàn voi chẳng hạn. Sau năm 1975, cả tỉnh Đăk Lăk có
hơn 500 con, nay còn 50 mà cũng sắp “tiệt” vì lệnh cấm săn voi rừng và bị vắt
kiệt sức cho du lịch lễ hội. Nhiều người bảo voi chỉ giao phối, đẻ trong
rừng, nuôi ở nhà thì chịu. Trước đồng bào thường săn voi con, bị cấm thì chả
thể tự vệ khi đàn voi rừng hung dữ kéo về. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã tổ
chức chụp ảnh 50 ông voi “cuối cùng” này, làm hội thảo…, có cứu vãn được gì?
Cồng chiêng ở Đăk Lăk có 10000 bộ năm 1975, tới 1994
còn 4800, con số năm 2008 là 2600, giờ chắc chưa được 1000. Sang Đăk Nông hay
Gia Lai tình hình dường như đỡ hơn, phụ thuộc vào tín ngưỡng.
Sử thi “thoi thóp”, nói như thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ
ở Sở VH – TT- DL Gia Lai, chuyên gia về
loại hình này. Nghệ nhân đang vắng dần, còn thì người nghe cũng ít. Cũng có lớp mở ra nhưng “thày dạy chúng nó cứ
nhắn tin”. Sách cũng in ra rồi nhưng chưa “chuẩn” (dù đã quy định chuẩn) vì
nhiều nhóm chữ địa phương quá. Trung ương vừa ấn hành bộ sử thi đồ sộ thật,
nhưng chắc cho sinh viên, nhà nghiên cứu là chính. Ở cấp tỉnh, như nơi ông Tuệ
công tác, phòng Nghiệp vụ lo luôn cấp phép quảng cáo, karaoke, biểu diễn nghệ
thuật, làm báo cáo…, nhà nghiên cứu chả còn sức đâu mà sưu tầm, bảo quản, dịch,
công bố… nữa.
*
Những ẩn ức lan man về cao nguyên tôi còn nhiều
lắm, nhưng kể mãi sẽ… lan man thật. Nên xin kết thúc bằng một hình
ảnh và đôi lời về hạnh phúc, của kẻ đang sống giữa tiện nghi ở thủ
đô.
Dân thành thị tới Tây Nguyên, công việc hoặc du
lịch, gặp đàn bà bản địa đeo gùi nặng lầm lụi leo mãi lên cao, thường có cảm
giác thương xót: “Họ nghèo quá! Khổ thế! Mang nặng thế thì người cọc đi là
phải!”. Lên thăm nhà họ với tấm lòng ấy, kèm quà cáp, lại nghĩ tiếp: “Làm thế
nào để họ đỡ vất vả, lại được ánh
sáng văn minh nhỉ, để rồi vùng cao tiến kịp miền thấp - như miền thấp
đang cố tiến kịp đô thị…”.
Đấy là những ý nghĩ tử tế. Nhưng nếu ta tìm hiểu tiếp
phong tục tập quán nơi ấy, rất có thể những câu khác sẽ xuất hiện. Chẳng hạn
ngôi nhà ám khói, “tối bẩn” rất có lý trong sinh hoạt và thờ cúng, thờ cúng cây
thiêng vật thiêng, ông bà họ (chứ không phải ông bà ta). Và họ, leo núi phát
nương rồi thảnh thơi uống rượu, nhảy múa ca hát bên đống lửa cả ngàn năm nay,
vẫn thấy hài lòng đấy chứ, có tự thương xót và tủi thân vì mình không bằng ai
đâu.
Hạnh phúc là cái mình tự cảm thấy, vừa lòng với gì
đang có, chứ không phải cái người khác hướng cho mình, muốn mình theo. Quan
niệm có vẻ “hiện sinh” này, đem so ra thì chưa chắc ai hạnh phúc hơn ai. Những
đô thị chật cứng, ô nhiễm, xe chen nhau chục phân một, những quan hệ phải chi
li đong đếm… rất chi tạo stresse, khiến trầm cảm hoặc ngược lại, tăng động quá.
Một điều tra xã hội học cho thấy nhiều người hai ba nhà bốn năm ô tô chục “ô
sin” không cảm thấy “hoàn toàn hạnh phúc”. Ta thường nhìn vào mặt tiêu cực của
những nơi kém phát triển mà ít chăm chú vào mặt tiêu cực của vùng phát triển.
Biết tiếng Anh, giỏi vi tính mới chỉ là văn minh chứ chưa phải văn hóa, càng
chưa phải văn hiến. Khi định nghĩa “Văn hóa là sự khác biệt”, UNESCO rất quan
tâm đến tính đa dạng. Những truyền thống, tập tục trong mắt tập người này là
“dị bọ”, “lạc hậu” lại quý báu với tập người khác, bình thường thôi mà. Các anh
nuôi ngỗng lấy gan làm đặc sản thì đừng chê chúng tôi ăn thịt chó, cũng như ta
chớ coi thường thói tục, sự thờ cúng những nơi nao. Về mặt đạo đức, ta có bằng
những con người thật thà, chân phác trên ấy…?
“Thế giới”, tức người Âu Mỹ, đã đặt ra chỉ số phát
triển để đo chất lượng cuộc sống, căn cứ chủ yếu vào tài sản, tiện nghi đang
có. Nay thì lại có thêm chỉ số phát triển nhân văn, đánh giá cao sự hài hòa, tự
chọn lựa cách sống của mình. Nhìn vào đây, có lẽ ta nên ngẫmlại sự thương sót
cao thượng của mình với những đàn bà leo núi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét