Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Đền Nưa vào hội



                             Lễ hội Ngàn Nưa                              
                                          Quốc Ninh

Theo lệ thường, hàng năm cứ vào rằm tháng Giêng ở quê tôi lại vào Lễ hội đền Nưa. Lâu lắm tôi mới được về ăn Tết quê, lại được tham gia Lễ hội thật vui. Lễ hội được khai mạc sớm (mồng 8 tháng Giêng) rất trọng thể và trang nghiêm, với phần trống hội, lễ tế thiên địa, thần linh và lễ tế mở cổng trời tại huyệt khí cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà hạnh phúc
Lễ hội đền Nưa – Am Tiên là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng nhằm tôn vinh công đức của các vị anh hùng dân tộc, đồng thời nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ sau.
Cổ Định-Tân Ninh, vùng thôn dã nằm nép mình bên rặng núi Nưa hùng vĩ của xứ Thanh.Nhà thơ Mộng Chữ đến vùng đất này, cảm được vẻ đẹp, ông đã phác hoạ bức tranh: “Ai đi về Thanh / Nơi đồng lúa xanh xanh / Nơi núi lên biêng biếc / Nơi thôn xóm xinh xinh”.Thật vậy, Cổ Định quê tôi có dòng sông Lãng, có núi Nưa  xanh biếc. Mỗi năm khi mùa xuân về, vào Rằm tháng Giêng làng tôi rộn ràng vào lễ hội. Người trong làng, kẻ sinh sống nơi xa, khách thập phương nô nức về dự Lễ cầu an. Hoà trong dòng người, tôi người con xa quê hương nay về thăm quê trong lòng đầy tự hào về quê mình một vùng quê văn vật, địa linh. Như lời diễn văn khai mạc của vị đại diện cho Uỷ ban nhân dân huyện Triệu Sơn, Thanh hoá, đã nhắc lại truyền thống: Núi Nưa nơi bà Triệu dấy binh đánh giặc Đông Ngô; miền đất của khoa bảng. Sử sách còn ghi qua các triều đại Lý-Trần-Lê-Nguyễn luôn có nhiều người tài giúp nước như: Luật quốc công Lê Thân (đời nhà Trần); có vị làm đến chức tể tướng; vào thời đại nhà Lý, nhà Trần có dòng họ Doãn có ba người phó chức chánh sứ sang Trung Quốc (đó là các ông Doãn Anh Khải, Doãn Tử Tư và Doãn Băng Hiến)... 
Tam quan Đền Nưa, Tân Ninh Triệu Sơn Thanh Hoá







Bởi thế, quần thể di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia núi Na - đền Nưa – Am Tiên thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, được công nhận là di tích cấp quôc gia. Di tích vừa mang đậm chất dân gian, huyền thoại, vừa là danh thắng nổi tiếng, song trên hết vẫn hướng về người nữ anh hùng Triệu Trinh Nương đầy huyền tích. Đặc biệt, đến nay di tích còn nổi tiếng về trên đỉnh Am Tiên được xác định cũng là một trong 3 huyệt khí lớn nhất của quốc gia. Bên cạnh đó, một quần thể thờ phụng đã có từ lâu đời như: Chùa Am Tiên, mà tương truyền trong dân gian rằng đã có người gặp tiên ông đánh cờ. Hiện nay có bàn cờ đá nhẵn, có giếng nước trong, có ao tiên, có khánh đá, đế rùa. Lại có nhiều đời ẩn sĩ lập am thờ phật, tu tiên. (Tu Nưa gánh núi). Có Phủ thờ Thánh Mẫu, có Lầu Cậu, Lầu Cô, có giếng Cô Tiên... Năm 248 sau Công nguyên, Triệu Trinh nương đã chọn ngàn Nưa làm nơi luyện quân đánh giặc Ngô. Bởi vậy, Đền Nưa - Am Tiên còn có tên gọi khác là Kinh Triệu Quận (tức là Kinh đô của Bà Triệu). 
Đỉnh Am Tiên

Huyệt đạo Quốc gia-Am Tiên

Dưới chân núi Nưa là “Na Sơn Tự”, tục gọi là Đền Nưa. Đền Nưa có từ lâu rồi, có tích nói là thờ Bà Chúa Thượng ngàn. Lại có tích nói rằng đây cũng nơi thờ Bà Triệu (!?). Ngày xưa rừng Nưa gỗ nứa bạt ngàn, hùm beo chim muông vô kể. Đền Nưa được mọi người tôn kính hương khói quanh năm. Người cầu xin vào rừng may mắn, người làm ruộng cầu xin được mùa, người buôn bán, người đi xa ai ai cũng nhờ thần thánh phù hộ. Dân Cổ Định và vùng lân cận ở đâu cũng hướng về.
Về sự tích Tam quan đền Nưa, chuyện kể rằng, Cao Bá Đạt là tri huyện Nông Cống xin thánh Mẫu ( Bà Triệu) phù hộ đã bắt được một cặp hươu sao hiến vua, ông muốn trả ơn được Bà phù hộ, nên đã bỏ tiền ra cùng dân làng dựng lại Đền gạch ngói và sau này lại xây cổng tam quan “Giới thiệu ảnh”. Đây là một công trình văn hóa nguy nga tráng lệ, trạm khắc tinh vi. Dưng như  là “Độc nhất vô nhị” xứ Thanh. Năm tháng qua đi, xã hội bao cuộc đổi thay, chiến tranh tàn phá, bom nổ bốn bề song Tam quan vẫn uy nghi một vùng trấn an. Mới đây, vừa được chính quyền địa phương trùng tu rất khang trang.
Lễ hội đền Nưa là một tập truyền tín ngưỡng dân gian, kết hợp với việc “ Uống nước nhớ nguồn” nhớ công ơn của Bà Triệu và viên tướng Trần Khắc Chân. Còn nhớ, khi giặc Minh đô hộ nước ta, tổng Cổ Định rất đông dân, đã kiên cường chống lại quân Minh, chúng đã tàn sát dã man, cả tổng chỉ còn 13 người…Nhưng với sức sống mãnh liêt cho đến nay dân số đã lên tới gần 1 vạn người. Trãi theo thăng trầm của lịch sử; người dân Cổ Định đã gầy dựng bao thành quả về kinh tế, xã hội, nhất là tạo dựng được như bản sắc văn hoá của làng quê mình…trong đó có Lễ hội. Hàng năm, từ Rằm tháng Giêng bước vào lễ hội. Thiện nam tín nữ khắp bốn phương trẩy về đây thắp hương, niệm Phật cầu Thánh. Nếu ai đến vào đúng lễ hội sẽ được xem các cô đồng lên giá: bà Chúa thượng ngàn, cô Cả thoải cung, ông Hoàng, cô Chín, cô Ba, quan Hổ…trong không gian ấy, cùng với mùi huệ trắng, hương trầm tạo thành một không gian linh thiêng huyền ảo.

                           Một số hình ảnh của Lễ hội 2013












Như đã nói, Lễ hội Đền Nưa bắt đầu từ Rằm đến 20 tháng Giêng, ngoài lễ cầu ở Đền Nưa, chủ yêú là đến dâng hương ở Am tiên tự, ở đền Bà Triệu, Đền Thánh mẫu và ở Huyệt đạo quốc gia. Lễ hội thời gian có thể kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Còn du khách đến  lễ bái, vẵn cảnh quanh năm. Kết thúc lễ hội là Lễ rước bóng. Đó là  lễ Rước Thánh Mẫu và Rước Đức Ông- tức Trần Khắc Chân(Nghè Giáp khởi thủy là đển thờ Tham xung tá thánh Lê Hựu và gia đình ông ( thờ ngũ vị thánh), do đã hi sinh vì nước. Đồng thời, cũng là nơi thờ các vị tiên tổ của các dòng họ Lê, Hứa, Nguyễn, Hoàng, Doãn, Phan, Ngô, Trịnh ở Cổ Định -Tân Ninh ngày nay), được thờ nhập ở Nghè Giáp (cũng thuộc quần thể di tích lịch sử ở Tân Ninh- NV). Đám rước được thanh nam, nữ tú và các các ông bà cao niên của các dòng họ hoá trang phục theo truyền thống văn - võ binh lính, sắc màu sặc sỡ , mang theo cờ, lọng , vũ khí trông rất uy nghiêm. Lễ rước được bắt đầu cùng lúc: Một, từ lễ cúng Mẫu ở Đền Nưa, Hai, lễ cúng Đức Ông ở Nghè Giáp. Hai đoàn rước kiệu Long Đình từ hai hướng sao cho đúng lúc gặp nhau ở ngã ba Đình Thượng cổ chức cúng lễ hợp giao. Cúng song thì Song Rước đến bãi Đồng Trữa ( nay là Sân vận động xã) làm Lễ. Song lễ lại rước Ông rước Bà về Đền và Nghè…

Mỗi vùng quê Việt dường như đều có lễ hội, nhưng lễ hội mỗi nơi thì lại có cái đặc trưng riêng. Đối với Ngàn Nưa quê tôi cũng vậy. Một vùng đất có cả một quần thể đền, chùa, miếu, nghè mà mỗi đền, mỗi chùa đều có đầy sự tích huyền thiêng, độc đáo đang là địa chỉ hấp đẫn của du lịch tâm linh, hàng năm du khách nhớ về trẩy hội Đền Nưa-Am Tiên. Thật là:
…Na Sơn một dãy đứng xa trông
Muôn thuở ngàn năm vẻ đượm nồng
Ngọn núi trập trùng non biếc biếc
Dòng khe uốn khúc nước trong trong
Gió chiều nhẹ thổi chim tìm bạn
Nắng sớm nỉ non vượn gọi chồng
Cảnh vật ngàn nưa ai đã tới
Khen thầm tạo hóa khéo nên công!

                                                                                                    QN
BOX: Bà Triệu sinh năm tại miền núi Quân Yên, quận Cửu Chân. Thủa nhỏ cha mẹ đều mất sớm, Bà Triệu đến ở với anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng ở Quan Yên. Lớn lên, bà là người có sức mạnh, giỏi võ nghệ, lại có chí lớn. Đến độ 20 tuổi gặp phải người chị dâu (vợ ông Đạt) ác nghiệt, bà giết đi rồi vào ở trong núi Nưa (nay thuộc xã Tân Ninh huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá), chiêu mộ được hơn ngàn tráng sĩ. Dấy binh khởi nghĩa năm 248 tại núi Nưa. Những trận đánh ác liệt đã diễn ra tại căn cứ Bồ Điền. Song do chênh lệch về lực lượng và không có sự hỗ trợ của các phong trào đấu tranh khác nên căn cứ Bồ Điền bị bao vây cô lập, và chỉ đứng vững được trong hơn hai tháng. Bà có câu nói nổi tiếng: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”

                                                                                                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét