Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Lãng mạn ATK

Lãng mạn ATK

Lâu nay, khi nói đến Trung ương Cục miền Nam, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta thường biết đây là hậu cứ bí mật, được mệnh danh là an toàn khu (ATK). Đọc sử và những sách viết về chiến tranh chống Mỹ, chúng ta biết đến chuyện về các vị lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam như: Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt… bám trụ trực tiếp lãnh đạo tại chiến trường miền Nam cho đến ngày toàn thắng. ATK đã được giới nghiên cứu khoa học lịch sử, lịch sử chiến tranh nghiên cứu và sự khâm phục về tổ chức hậu cứ chiến tranh.

Với tôi, từng là lính trận có mặt tại chiến trường B2 thời chống Mỹ, nhưng hầu như  khi ấy không biết về một chiến khu như thế. Hôm nay, là một du khách đến tham quan ATK, được du ngoạn, được biết thêm nhiều điều kỳ diệu về một ATK, nghiêm mật đấy và lãng mạn đấy

alt

Các hướng dẫn viên kể những câu chuyện về một thời chiến đấu, một thời đạn bom của những con người đã đi vào huyền thoại Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt…



Nghiêm mật

Tự hào có ATK trên mảnh đất quê hương, các đồng nghiệp ở Báo Tây Ninh vui vẻ làm hướng đạo, chúng tôi có trọn ngày du ngoạn ATK-hậu cứ của Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Ngồi trên xe bon bon trên con đường nhựa phẳng lì, tôi tận hưởng cảm giác tuyệt vời giữa một rừng nguyên sinh.

Nếu không được giới thiệu trước về khu hậu cứ thì nhầm tưởng mình đang đi giữa vườn quốc gia nào đó với chim muông, thú nhỏ… Nhưng không phải vậy! Đây là nơi từng hứng chịu bao nhiêu bom đạn đầy ác liệt trong thời chiến. Cảm giác trong tôi giữa cái mênh mông bình yên, lại mường tượng về những hình ảnh những con người, với màu da sạm xám vì sốt rét, với bộ đồ bà ba, cổ quấn khăn rằn, rất nông dân Nam bộ, nhưng đó lại chính là những bộ não cân sức với bộ máy chiến tranh hiện đại Hoa Kỳ.

alt

Và, tôi cảm thấy khó hiểu: với bộ máy chiến tranh và công nghệ chiến tranh bậc cao của một nước Mỹ như thế mà vẫn không thể nào phát hiện chính xác căn cứ ngay trong chiến trường. Vẫn có một ATK như thế. Chỉ đạo chiến tranh vệ quốc và chiến thắng.

Nhờ câu chuyện với  anh em “thổ công” lúc ngồi trên xe, rồi cùng nhau lần mỗi gốc cây, thấy từng căn lán của các vị lãnh đạo Trung ương Cục ngày ấy, thấy những hố bom, đạn… nay đã xanh rêu, chuyện trò các hướng dẫn viên, tôi mới hình dung được sự nghiêm mật ngày ấy như thế nào.

Thượng tá Huỳnh Bủn- một trong những cán bộ của khu bảo tàng An ninh thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt- ATK, hướng dẫn chúng tôi và kể say sưa về công tác an ninh ngày ấy. Các cán bộ chiến sĩ an ninh được đào tạo nghiệp vụ thế nào, có lòng trung thành và tài ba ra sao, đến lực lượng đặc biệt chuyên tháo gỡ vô hiệu hóa các thiết bị do Mỹ ném xuống (cây nhiệt đới, thám báo…). Nghĩa là lực lượng an ninh đã đảm bảo được an toàn tuyệt đối. Rồi Huỳnh Bủn cho biết: “Các anh biết không ngày ấy đường vào ATK được canh gác cực kỳ cẩn mật.

Có nhiều con đường mòn đi vào, ngay cả người trong ATK không phải khu vực mình phụ trách cũng bị lạc, như mê cung. Cứ vài trăm mét lại có một trạm gác của an ninh ATK, các chiến sĩ các trạm với nhau hầu như không ai biết mặt ai, phụ trách nhiệm vụ gì-trừ cấp chỉ huy mới nắm địa bàn theo phân cấp. Trạm thứ nhất chỉ biết trạm thứ hai. Còn cán bộ về họp ở ATK, dù bất cứ ai đến đây đều phải tuân thủ một nguyên tắc: phải bịt mặt và theo hướng dẫn của các trạm.

alt 
Trạm nọ bàn giao cho trạm kia bằng mật khẩu, không đi quá ranh giới của mình (có nhiều trạm như thế). Đến khi vào trạm cuối thì gặp Cơ quan thường trực kiểm tra kỹ lưỡng lần cuối cùng trước khi vào họp. Sau này tổng kết sau chiến tranh đã có kết luận: không có bất cứ một kẻ tình báo nào của địch có thể lọt vào ATK.

Anh Hiếu, người hướng dẫn viên nói đầy thán phục về nguyên tắc đảm bảo an toàn khi ấy: Mỗi khi hội nghị triển khai chủ trương, mệnh lệnh cho cán bộ ở các tỉnh về dự họp (tức những người ngoài ATK-N.V) thì phải tuân thủ nguyên tắc bảo mật tuyệt đối như: mỗi người vẫn phải có một cái khăn che mặt, cho dù là cán bộ ở đâu về, còn trong phòng họp mỗi người ngồi phải cách nhau bức vách, trao đổi với nhau chủ yếu là mật khẩu và lời nói.

Với một yêu cầu “không chạm được vào một sợi tóc của nhau...”. Nói về chuyện này, anh Hiếu nhận xét đầy tự hào với chúng tôi: “Bởi thế, kẻ địch dù có tung nhiều gián điệp, biệt kích, thám báo… nhưng trước bức tường thành của lòng dân, bức tường thành của an ninh, chúng đã mù tịt trước ATK, dù ATK chỉ cách Sài Gòn chưa đầy trăm cây số theo đường chim bay.

Và lãng mạn  

Nghe chuyện từ Hiếu, chúng tôi mỗi người thả hồn mình trong không gian trầm mặc của một ATK-nay đã trở thành khu bảo tàng sống đầy huyền bí, huyền bí đến giản dị của thành lũy cách mạng hiện hữu mà cũng rất vô hình… Theo chân người hướng dẫn viên trong sự yên bình của thiên nhiên, có lúc chẳng ai nói với ai lời nào, bởi mỗi người chúng tôi tự đắm mình nhớ về ngày ấy-ngày còn chiến tranh.

Riêng tôi trong lòng thì mường tượng cuộc sống của căn cứ, rộn hẳn vẫn rộ rã, hẳn vẫn khẩn trương mỗi khi chuẩn bị chiến dịch, nhất là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mà tôi từng đọc qua từng trang nhật ký của các tướng lĩnh và lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam. Bởi thế, khi đứng giữa khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt này, cho đến bây giờ trong tôi vẫn xúc động. Xúc động về chất giản dị và lối sống lạc quan và đầy lãng mạn của các cán bộ Trung ương Cục mà tài ba đến thế.
alt

Chúng tôi đã lặng đi khi chứng kiến cuộc sống vật chất của “bộ não” chỉ đạo kháng chiến chỉ thế này đây, dù mỗi đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục sống trong cái lán riêng, có bảo vệ, bác sĩ riêng… nhưng điều giống nhau ở mỗi người là họ đều có một “tài sản” hành trang như nhau: đó là chiếc bàn làm việc đơn sơ, chiếc ba lô con cóc, cái đèn pin, đèn bão, chiếc radio cũ kỹ, chồng báo các loại trên bàn. Dưới chiếc giường tre là một đường hào dẫn đến căn hầm chữ A tránh bom. Nhưng có lẽ mấy ai biết được rằng trong cái nghiêm mật và bận rộn, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục vẫn tự thu xếp cho mình một cuộc sống tự tại, lạc quan và cũng rất lãng mạn.

Chuyện là, khi chúng tôi thắc mắc thấy lán của đồng chí Võ Văn Kiệt khác với mọi lán khác, phía trước có mái dô ra, lại có giá xung quanh, thì anh Hiếu đã giải thích: “Cụ Kiệt có thú vui là trồng và chăm sóc các loại phong lan rừng, lán của cụ đầy hoa rừng”-đầy hoa. Giữa bom đạn mà bác Kiệt vẫn trồng hoa! Tôi thốt lên thán phục. “Chưa hết đâu, cụ Kiệt lãng mạn lắm”-Hiếu phấn chấn kể tiếp: “Cụ có một chiếc xe đạp, một khẩu súng hơi, mỗi khi rảnh rỗi, hay cần thư giãn là cụ đạp xe đi săn quanh trong cứ, bắn vài con chim cùng anh em bảo vệ, hay mời các cụ lán cạnh bên cải thiện cho vui”. Hiếu bảo, mỗi người mỗi cách lạc quan các anh ạ, rồi anh chứng minh: “Cụ Phạm Văn Xô (Ủy viên Trung ương Cục, phụ trách kinh tài-N.V), có thú vui là trong cứ, cụ đi đâu cũng  toàn đi xe… ngựa! Bởi thế cụ Phạm Văn Xô còn có biệt danh “anh Hai xe ngựa”.

Là người làm hậu cần giỏi là thế, đảm bảo quân lương cho chiến trường miền Nam, mà ham xe ngựa cứ như một chàng “hiệp sĩ”. (Cái chất lãng mạn cách mạng của cụ Phạm Văn Xô còn theo ông về tận Sài Gòn. Chuyện là, khi nghỉ hưu ông được Nhà nước phân cho ở một căn biệt thự trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nhận thấy khu đất ông ở có giá trị kinh tế rất cao, ông đã tự nguyện trả lại cho Nhà nước căn biệt thự và 4.000 m2 đất dù giữa đất Sài thành…).

Nếu như cái lãng mạn của cụ Kiệt “giữa 2 làn đạn” vẫn trồng hoa, cụ Phạm Văn Xô có chút lãng tử, thì cụ Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1965-1975) cũng tự tại không kém. Bộn bề công việc là vậy, ông không chỉ trồng lan rừng, mà “trường kỳ hơn”: ông trồng hẳn cây ăn trái ngay trong hậu cứ.

Hiếu đã đẫn chúng tôi đến tận cây bưởi và cây vú sữa do chính tay cụ Phạm Hùng trồng và chăm sóc đến khi đơm hoa kết trái. Rồi giải thích, chuyện làm vườn được lưu truyền rằng, năm 1969, khi Bác Hồ mất, các cán bộ Trung ương Cục không về dự Lễ truy điệu được, Trung ương Đảng đã gửi vào cho Trung ương Cục miền Nam một quả bưởi hái từ cây bưởi do chính Bác Hồ trồng bên Nhà sàn của Bác, để anh em trong Nam nhớ về Bác.

Hạt quả bưởi đó được “ông Tư cách mạng” nhân giống, sau đó cụ Phạm Hùng tự tay trồng trước lán, bên cạnh cụ trồng thêm cây vú sữa. Anh Hiếu nói, nhiều người từng ở trong cứ hồi đó kể lại, mỗi khi rãnh rỗi cụ Hùng vẫn chăm tưới tỉa cây như một lão nông miệt vườn Nam bộ cần mẫn, nhẫn nại và thư thái.
alt
…Bây giờ ngồi nhớ lại hôm chúng tôi đến thăm ATK, đó là một ngày cuối năm 2012, những lán trại nay đã được phục chế, những kỷ vật được sưu tầm trưng bày, cảnh xưa còn đó, chuyện kể về những con người “bám trụ” và dấu ấn của họ còn đó dưới tán cây rừng nguyên sinh đã và đang hồi sinh. Lẫn trong rừng già ấy, còn có cây bưởi và cây vú sữa Phạm Hùng, đâu đó lơ lửng giò phong lan của cụ Kiệt... Lá vẫn xanh tươi và hiện hữu. Bất giác, cơn gió Đông nhẹ thổi về rung rung lá bưởi… Bồi hồi trong hư thực, trước mắt tôi dường như hiện về những bóng hình bận bộ đồ áo bà ba, cổ quấn khăn rằn, đầu đội mũ tai bèo lướt lướt qua, lướt qua… Tự tin,tự tại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét