Nhớ - nghĩ từ Hà Nội
Tạp văn
của Trần Chiến
Áp rằm tháng bẩy, đang kỳ nắng thu làm rám
trái bưởi non, Hà Nội làm “Những ngày văn hóa Tây Nguyên lần II –
2012”, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cùng Trung tâm triển lãm
Văn hóa nghệ thuật Việt Nam thực hiện. Tôi ra số 2 Hoa Lư xem triển
lãm, thơ thẩn qua các gian trưng bầy của Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông, Kon
Tum, Gia Lai, nhìn ngắm những xà gạc K’ho, chạc buộc voi M’nông, mô
hình nhà dài Ê đê… Gian Đăk Lăk có ông nghệ nhân làm đàn từ quả bầu
khô và những ống nứa còn xanh khá thu hút. Gian Gia Lai thì gặp lại
những gì khá quen thuộc: tượng nhà mồ Jrai, chiêng Kđơ, ống tên, ché,
gùi, sách nghiên cứu của Từ Chi, Nguyễn Thị Kim Vân, sử thi Bahnar
dịch ra tiếng Việt… Kể làm được thế đã là kỳ khu lắm. Nhưng mình
đã chót dính vào Tây Nguyên, thấy cả cái không gian sống bí ẩn, vĩ
đại thế bị nhốt vào những “gian trưng bầy”, cứ hơn trăm mét vuông
một, nó rất bí hãm, ngột ngạt đến vô hồn. Tôi có một Tây Nguyên của
mình cơ mà, dù chỉ là những mảnh mẩu…

Vòng xoang Tây Nguyên
Tôi biết Pleiku từ năm 1978, còn là thị xã.
Những ngôi nhà gỗ núp dưới bóng thông, những con đường lên xuống vòng
vèo, tưởng đã “kịch” lại rẽ sang ngả khác. Đàn bà Thượng, tôi không
phân biệt nổi sắc tộc gì, gùi dăm ba quả bí, mớ rau xuống chợ. Chợ
xôn xao tiếng nói, sắc phục, sản vật lạ. Một không gian đi bộ rất
thú vị, mỗi bước mỗi khám phá. Đến nỗi mà gập ghềnh trên xe chở
đạn của quân khu Năm sang Cam pu chia, nhìn ngắm cảnh vật, những ngọn
đồi dài mê mải, tôi chỉ ước ao chỗ này chỗ kia lên được cái tượng
đài, hình thù gì đó chưa hình dung ra, nhưng ắt là “hoành tráng lệ”
rồi. Và còn những cảm giác khác, kèm theo kì vọng…