Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Am Tiên và giai thoại

       Nói đến  Am Tiên-Ngàn Nưa quê tôi có rất nhiều chuyện kể và giai thoại. Ngày tôi lớn lên ông nội tôi thường kể rằng đỉnh Am Tiên nơi ấy thiêng lắm, có huyệt Đế vương(!?). Khi tôi lớn lên thì đã thấy hàng năm cứ vào dịp Rằm tháng Giêng là dịp Lễ hội Ngàn Nưa, chúng tôi lại cùng với du khách leo núi, vãn cảnh núi non. 



                             Lên núi vãn cảnh!
       
Chuyện kể rằng, ngày xưa  tiều phu ở Kẻ Nứa (Cổ Định) vẫn ngày ngày đi  đốn gỗ về  bán; có cây cả chục người khênh ( khiêng), to nữa thì trâu kéo, nhỏ thì vác…Ngàn Nưa trở thành nơi cung cấp gỗ làm nhà cho cả một vùng. 
        Một hôm, người trưởng tràng đầu nhóm nói ông phải đi tìm chọn một cây gỗ Lim về làm cột đình làng. Ông leo lên đỉnh núi cao nhất của Ngàn Nưa…nhưng đến chiều tối dân làng vẫn không thấy ông trở về. Dân làng đốt đuốc, khua chiêng gõ mõ đi tìm, nhưng vẫn không thấy chút dấu vết nào. Một ngày, rồi hai ngày …cả tháng không thấy ông về. Dân làng nghĩ rằng ông đã bị thú dữ ăn thịt mất rồi ( ngày ấy nhiều hổ, báo, voi, đười ươi…), gia đình đành lấy ngày ông đi lên núi làm ngày giỗ…
        
Rồi một ngày kia, chuyện của ông đã lùi vào quên lãng. Khi mà cả làng không còn nhắc đến chuyện của ông nữa, thì đột nhiên ông trở về làng. Dân làng thấy một tiều phu vạm vỡ, nhưng chẳng ai biết tên ông. Ông về chính ngôi nhà của mình, làng mình nhưng sao bây giờ khác thế. Không thấy vợ con đâu, chỉ thấy toàn người lạ. 
          Ông hỏi mọi người về người thân, xưng tên, thì mọi người tròn mắt: người có cái tên ấy là ông cụ dòng họ đã chết từ lâu rồi! Bát nhang và bài vị thờ ông đặt trang trọng trên bàn thờ kia. Phải chăng là hồn ông hiện về. Không. Đây đúng là người, bằng da bằng thịt – ai dám mạo danh chăng. Nhưng sao ông nói tường tận thế, đúng là ông. Nhưng ngần ấy thời gian ông ở đâu? Những người cháu gọi ông là ông nội nay cũng đã râu tóc bạc phơ. Còn ông, vẫn ở cái tuổi trung niên. Chuyện ông đi tìm gỗ đối với ông chỉ là chuyện hôm qua, ông ở trên núi có mấy ngày xem hai ông lão đánh cờ thôi mà. Hết ván cờ phân thắng bại là ông về ngay…   

          
                           Theo giai thoại, đây là nơi tiên ông từng ở
         Ông kể, ông lên núi đi tìm gỗ Lim về làm cột Cái đình làng, tìm mãi chưa thấy, vừa mệt, vừa thất vọng thì ông nhìn thấy ở trên mỏm đá bằng kia có hai ông già đang ngồi đánh cờ. Cờ ông cũng biết và ham mê, nên ông đứng chống rìu xem hai ông lão toạ đấu. Cả chủ và khách mải mê trong trận cờ mặt trời xuống núi lúc nào không hay, mà ván cờ vẫn chưa phân thắng bại. Ông định ra về, nhưng hỡi ôi cái cán rìu của ông mối đã xông hết, chỉ trơ lại lưỡi rìu. Ông thất kinh. Nhưng hai ông lão lại cười ngất, bảo ông cứ ở lại xem cho hết ván cờ.
         Trời tối mau, thú dữ nhiều họ khuyên ông ở lại. Hai ông lão không ăn cơm, mà chia cho ông ăn hoa quả và uống nước trong hồ lô. Ông nhớ, hai ông đấu với nhau đúng 3 ngày 3 đêm mới phân thắng bại. Xong trận cờ là ông xuống núi về ngay. Chỉ có điều ông thắc mắc là sao lúc ông xuống núi nhanh thế. Loáng cái đã không thấy hai ông lão đâu. Chỉ thấy hai con Hạc bay lên…Ông cũng chưa kịp hỏi tên, quê ở làng nào…
        
Chuyện của ông được lưu truyền, mỗi người giải thích mỗi cách. Người ta  bảo ông đã gặp các tiên ông, ông được ăn đào tiên, uống nước giếng tiên, nên ông trẻ mãi. Rằng, 3 ngày trên “cõi tiên” thì đã là một trăm năm ở hạ giới…   
         Các hương lão trong làng Cổ Định, sau khi nghe chuyện của ông tin rằng ông đã gặp Tiên…nên đã chung sức xây chùa, lập miếu thờ cúng phật, thánh thần và tiên tổ. Từ đó, nơi đây có tên gọi là Am Tiên.       

                             Cô đồng và đồng hội!
        Bây giờ, trên đỉnh Am Tiên có Chùa thờ Phật; có đền thờ Bà Triệu; có miếu thờ thần . Hàng năm có lễ hội Đền Nưa từ rằm Nguyên tiêu đến 19 tháng Giêng; đặc biệt có Đền thờ  Thánh Mẫu,  để con nhang “lảo đảo bóng cô đồng…”.          

1 nhận xét:

  1. chúc mừng anh đã xây thêm một ngôi nhà mới. chúc anh có nhiều niềm vui trong căn nhà này!

    Trả lờiXóa