Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Nguyễn Đoan và bức tranh "Bác Hồ với thiếu nhi miền Nam"

                      
Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Gia Lai-Kon Tum, vào tháng 01 năm 2013 tiếp nhận một bức tranh sơn dầu “Bác Hồ với thiếu nhi miền Nam” của họa nghiệp dư-Nguyễn Đoan trao tặng. Tôi và những đồng nghiệp xem tranh và đều có chung suy nghĩ: Đây là một bức tranh, có cách thể hiện rất riêng so với những bức tranh mà tôi từng thấy trước đó của các họa sĩ vẽ về Bác Hồ với thiếu nhi. Đem những suy nghĩ của mình trao đổi với tác giả, thật bất ngờ, đằng sau câu chuyện vẽ tranh cũng đầy thú vị.
Chuyện về hồn tranh
Anh tâm sự: “Một lần có 2 cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Gia Lai-Kon Tum đến nhà để hỏi anh về những kỷ niệm khi gặp Bác Hồ. Chuyện trò với họ bỗng nhiên những ký ức tuổi thơ dậy về. Ký ức về những lần gặp Bác, về bóng hình, về nụ cười của Bác dường như đã trở thành một phần máu thịt trong anh. Đã bao lần anh muốn cầm cọ tái lại cái thời khắc thân thương ấy, nhưng chưa làm được. Như được động viên bởi những người “đi tìm hình của Bác” ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, anh hứa: Sẽ vẽ tặng Bảo tàng một bức tranh về Bác với thiếu nhi miền Nam, mà anh từng tắm mình trong không gian ấy”. Với ký ức đã thấm đẫm trong anh hơn nửa thế kỷ, với những nghĩ suy về cuộc vận động “Học  tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, anh đã miệt mài kể lại tấm lòng Bác bằng những gam màu và tình cảm yêu thương cảu thiếu nhi miền Nam với Bác...
alt

Tranh Nguyễn Đoan: " Bác Hồ với thiếu nhi miền Nam"

 

Bức tranh là câu chuyện kể về cuộc gặp mặt ân tình giữa Bác với các cháu thiếu nhi- học sinh miền Nam gần 60 năm trước. Nguyễn Đoan kể về hồn tranh: “Trong cuộc đời của mình, tôi được gặp Bác Hồ 2 lần. Lần thứ nhất đó là năm 1957, khi chúng tôi đang học tại khu lưu học sinh Việt Nam tại trường Dục Tài của khu Học xá Việt Nam ở thành phố Nam Ninh (Trung Quốc). Tôi nhớ mãi hình ảnh khi Bác đến thăm chúng tôi, cả ngàn thiếu nhi là học sinh miền Nam đón đợi. Bác bước vào rồi giơ tay vẫy chúng tôi lại gần rất thân tình, chúng tôi ào lên quanh Bác. Ai cũng muốn được ôm Bác, cả biển người hét to: Bác Hồ, Bác Hồ…Khi ấy, tôi còn quá nhỏ, mới chỉ là học sinh lớp 2 dù nhớ không nhiều, nhưng cử chỉ thân thương ấy, đôi mắt nheo nheo cười hiện hữu, dường Bác đang gọi đến tên mỗi người, nhưng sâu thẳm trong mắt Bác, ta vẫn thấy của sự lo toan, thì tôi nhớ mãi. Bởi vì, chúng tôi những đứa trẻ, xa quê hương miền Nam, xa Tổ quốc, trong chúng tôi có người cha mẹ tập kết ra Bắc; có người cha mẹ vẫn bám trụ ở miền Nam; mỗi chúng tôi đều có bạn ở lại miền Nam, nơi quân thù giày xéo…Nên khi được gặp Bác, nghe bác dặn học cho giỏi để sau này về xây dựng miền Nam, chúng tôi thấy Bác và nghĩ đơn giản, Bác như là ông nội, ông ngoại của mình, chỉ muốn ôm, muốn níu kéo mà kể với Bác, trong không gian một rừng cờ sao, với màu đỏ của cờ Tổ quốc và cờ màu xanh in hình chim Hòa bình”, chính hình ảnh ấy đã đã đi vào trong tranh- Anh Đoan giải thích.
Lần thứ 2, tôi được gặp Bác, ấy là năm 1960 chúng tôi đã về học tại Hà Nội, Bác đến thăm đúng dịp nhà trường tổ chức kỷ niệm 5 năm ngày học sinh miền Nam tập kết. Tôi có vẽ một bức tranh bột màu: “Công trình Thủy điện” theo trí tưởng tượng của mình. Bác xem và khen, rồi nói với tất cả chúng tôi: Các cháu hãy học thật giỏi để sau này về xây dựng những công trình to lớn cho đất nước. Lời khen của Bác đã theo và động viên tôi suốt cả cuộc đời. Sau này đi học tại trường đại học Bách khoa, tôi lại theo ngành luyện kim, mãi mê vói nhà máy gang thép Thái Nguyên. Năm 1989, theo tiếng gọi của quê hương tôi đã về làm việc tại Nhà máy điện An Khê. Bây giờ về hưu sống trên chính mảnh đất sinh ra mình, nhớ đến Bác, khát khao tái hiện lại hình ảnh của Bác qua kỷ niệm một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc. Bởi thế, trong bức tranh này tôi muốn thể hiện Bác vẫy tay như muốn ôm tất cả chúng tôi vào lòng và chúng tôi-những thiếu nhi miền Nam níu áo Bác mà thốt lên: Bác Hồ ơi…”.
Thì ra, đằng sau hình ảnh Bác Hồ hiền hậu giơ cao tay vẫy các cháu thiếu nhi và các cháu ùa vào níu áo Bác trong tranh do Nguyễn Đoan thể hiện, là cả một ước mong, là cả một câu chuyện dài của những học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc năm 1954. Đó không chỉ là niềm vui được gặp Bác, mà còn là- như Nguyễn Đoan Đoan nói: “ chúng tôi muốn kêu lên: Bác ơi, thiếu nhi ở miền Nam dưới gót dày Mỹ- Ngụy…”.
Nguyện làm người vác "tù và" …
Hôm chúng tôi đến Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Gia lai, gặp chị Nguyễn Thị Hồng chuyên viên phòng nghiệp vụ, chị vui mừng cho biết: Sau những bức tranh của họa sĩ Xu Man vẽ về Bác Hồ, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng, thì đây là bức tranh vẽ về Bác Hồ mà tác giả là người gốc Gia Lai, với Bảo tàng, đây là bức tranh bức quí, thể hiện tấm lòng Bác với miền Nam, là tình cảm của đồng bào các dân tộc Gia Lai đối với Bác Hồ kính yêu.
Nguyễn Đoan sinh ra đồn điền chè Bàu Cạn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), cha anh là Cụ Nguyễn Khoa, cán bộ Lão thành cách mạng, mẹ anh là Quách Thị Hường, cán bộ Tiền khởi nghĩa. Cả hai ông bà đều là chỗ tôi quen biết, bà vẫn thường kể, ngày Pháp tái chiếm Pleiku và Gia Lai, Nguyễn Đoan chưa đầy 2 tuổi. Ông là Chủ nhiệm Ủy ban ủng hộ kháng chiến, sau tham gia quân đội, bà là y tá cứu thương ở trung đoàn 120. Bởi vậy, ông bà đi kháng chiến đến đâu thì gánh con đi theo đến đó. Và, Nguyễn Đoan cũng lớn lên theo kháng chiến chống Pháp, cho đến năm 1954 được chọn trong đoàn học sinh miền Nam ra Bắc, để rồi sau giải phóng miền Nam 1975, anh trở về Gia Lai như lời Bác dặn…
Mới đây, tình cờ khi ngồi chuyện trò với chị Nguyễn Thị Minh Châu, Giám đốc Nhà văn hóa lao động tỉnh, lại mới biết Nguyễn Đoan là Hội viên Câu lạc bộ Văn hóa nghệ thuật của Nhà văn hóa lao động tỉnh, đã hơn năm nay mỗi tuần 2 buổi đều đặn anh đến Nhà văn hóa dạy họa từ thiện cho Lớp học tình thương, là trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, do Nhà văn hóa lao động tỉnh mở. Dự các buổi đọc và nghe thơ của các cháu mồ côi. Tham gia công tác khuyến học ở phường, tham gia câu lạc bộ thơ Đường, vẽ tranh để biếu…thời gian với anh lúc nào cũng khiết. Ở tuổi gần thất thập, Nguyễn Đoan vẫn sống hết mình, làm theo lời Bác theo cách của riêng mình.
                                                                                      Quốc Ninh




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét