Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Lê Quát...

              Hành khiển Thượng thư hữu bật LÊ QUÁT,
                  một tấm lòng thơ nặng nước non

                                                         Lê Hải
 ( Lê Hải là nhà thơ, nhà báo, quê Cổ Định- Tân Ninh, huyện Triệu Sơn Thanh Hoá. Hiện sống ở TP Hồ Chí Minh)
Ông Lê Quát, tự là Bá Quát, hiệu là Mai Phong.   Ông sinh năm Kỷ Mùi( 1319), quê tại tổng Cổ Định, huyện Nông Cống, nay là xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Thân sinh của ông là Luật Quốc Công Lê Thân, mẹ là Tam phẩm phu nhân Đặng Thị Lý. Bởi ông ngoại ông chỉ có bà Đặng Thị Lý là con duy nhất, nên thuở nhỏ ông Lê Quát theo mẹ về sống bên quê ngoại tại làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn.(1)

Nhà thờ tổ Lê Đình - Luật quốc công Lê Thân ( ở  Cổ Định - Tân Ninh)

 

Ông là người thông minh, đĩnh ngộ, văn chương lưu loát, có nhiều khía cạnh hơn người. Đến nay, dân làng Phủ Lý vẫn còn truyền tụng những giai thoại về tài ứng đối thơ văn của ông khi ông chỉ là cậu bé bảy tám tuổi. Lớn lên, ông theo cha về kinh thành Thăng Long để học tập. Ông cùng với Phạm Sư Mạnh là những học trò giỏi của Vạn thế sư biểu Chu Văn An. Năm 21 tuổi, ông thi đậu Thái học sinh ( tiến sĩ), làm quan qua nhiều chức vụ, sau được thăng Thượng thư hữu bật nhập nội Hành khiển - hữu Thừa tướng (2). Lúc bấy giờ, nhiều nhân tài lần lượt vào triều phò trợ vua Trần, như: Trần Thì Kiến, Đoàn Nhữ Hài, Đỗ Thiên Hư, Mạc Đỉnh Chi, Lê Duy ( Thân), Nguyễn Dũ, Phạm Mai, Phạm Ngộ ( vốn họ Chúc), Nguyễn Trung Ngạn ( Cốt), Lê Quát, Phạm Sư Mạnh ( Độ), Trương Hán Siêu, Lê Cư Nhân.v.v…(3)
Ông Lê Quát có một người con trai là Lê Giác (Giốc), thi đậu Thái học sinh năm 25 tuổi, làm quan tới chức An Phủ Sứ. Trong một trận chiến đánh quân Chiêm Thành ( tháng 6 năm 1378), bị giặc bắt được. Giặc bắt ông Lê Giác phải lạy, ông nói: Ta là quan nước lớn sao lại phải lạy mày! Rồi ông chửi giặc luôn mồm. Giặc tức giận giết chết. Sau ông được vua truy phong là: Mạ tặc Trung vũ hầu; đồng thời phong cho con là Lê Nhuế làm Chánh trưởng bốn cục Cận thị chi hậu.(4)
Tính tình ông Lê Quát cương trực, không ưa quỳ lụy. Thường nhật, ngoài công việc triều chính, ông thích giao du với những tao nhân mặc khách đương thời, thích làm thơ ngâm vịnh, sống ngoài cương toả thường tình. Bản thân ông ghét mê tín dị đoan, luôn mong muốn làm sáng tỏ đạo thánh hiền. Khi thầy dạy ông là Chu Văn An mất được vua ban lệnh cho phối thờ tại Văn Miếu ( trước chỉ thờ Khổng Tử), ông mừng mà khóc suốt một ngày. Bởi vì, trước đó ông đã từng làm bài văn bia ở chùa Thiệu Phúc, Bắc Giang: “ Nhà Phật dùng hoạ phúc làm lay động lòng người, sao được người ta tin theo sâu sắc và bền vững đến thế.  Trên từ vương công, dưới đến thứ dân hễ bố thí vào việc nhà Phật thì dù có hết tiền của cũng không đoái tiếc. Nếu ngày nay phó thác vào chùa tháp, thì cũng vui mừng sung sướng như giữ được bản khoán ước để lấy được sự báo đáp ngày sau. Cho nên trong tự kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho đến thôn cùng ngõ hẻm không có lệnh mà vẫn theo, không ăn thề mà vẫn tin. Đâu có người ở thì đấy có chùa Phật, bỏ rồi lại lập, hỏng thì lại chữa, lầu, đài chuông trống chiếm gần phân nửa dân cư, dấy lên rất dễ dàng, tôn sùng rất mực. Ta khi còn nhỏ đọc sách chú ý khảo cứu xưa nay, cũng tạm hiểu được đạo của thánh nhân để giáo hoá cho dân, nhưng rốt cuộc cũng chưa có nổi một lòng tin theo. Ta thường dạo xem sông núi, dấu chân tới nửa thiên hạ chưa tìm được học cung, văn miếu ở đâu. Vì thế ta rất lấy làm xấu hổ với tín đồ của nhà Phật. Bèn viết ra đây để tỏ lòng ta”.(5) Bài từ là nói về chuyện Phật giáo nhưng trong sâu xa ông lấy làm buồn khổ vì không thể phát dương được Nho giáo – đạo thánh hiền- mà ông suốt đời tôn thờ. Đó cũng là nỗi day dứt nhất mà ông luôn canh cánh trong lòng cho đến hết cuộc đời.
          Sinh thời ông làm nhiều thơ, cùng bạn bè chung chí hướng xướng hoạ, ngâm vịnh làm thú tiêu dao. Đến nay, phần lớn thơ của ông đã bị thất lạc chỉ còn lại bảy bài. Nổi tiếng nhất có lẽ là bài thơ : Tống Phạm Công Sư Mạnh Bắc sứ. Đây là bài thơ ông làm khi còn đang đi học ở kinh sư thì bạn ông là Phạm Sư Mạnh nhân việc sứ thần nhà Nguyên sang hỏi về chuyện cột đồng từ thời Hai Bà Trưng, nên được nhà vua cử đi sứ sang Yên Kinh,Trung Quốc để trả lời về việc ấy.



                    Tống Phạm công Sư Mạnh Bắc sứ

                          Dịch lộ tam thiên quân cứ an

                         Hải môn thập nhị ngã hoàn san

                        Trung triều sứ giả yên ba khách

                        Quân đắc công danh, ngã đắc nhàn (6)



                    Dịch thơ:

                             Tiễn Phạm Sư Mạnh đi sứ

                             Anh lên yên ngựa ba ngàn dặm

                             Hai mươi cửa bể tôi về ngàn

                             Người đi sứ giả, người mây nước

                             Bạn đạt công danh, tớ được nhàn.



          Người hiểu biết, sau khi đọc bài thơ cho rằng Quát sắp được quý hiển. Quả nhiên, sau ông thi đỗ làm quan chức tước còn lớn hơn cả bạn.

          Ngoài bài thơ trên, đến nay nhiều người còn biết đến bài thơ Thư Hoài gồm hai phần của ông. Đây là những bài thơ nói lên nỗi lòng trăn trở của ông trước thời cuộc khi chính sự triều đình và đạo đức của hàng quan lại ngày một suy vi. Điều này cũng thể hiện rõ mong ước lớn nhất của ông là nêu cao và khơi sáng đạo thánh hiền nhưng thực là “ lực bất tòng tâm”.



                     Thư Hoài  (7)



                           Kỳ nhất

                    Sự vụ như mao tật phục nhàn

                    Càn khôn vạn biến tĩnh trung khan

Song mai kiều bạn thu phong lão

Vô số hoàng hoa ánh dược lan.





Dịch thơ:

          Việc đời tơ rối bệnh nằm nhàn

          Thế sự vần xoay gương mắt khan

          Đôi gốc mai già bầu bạn gió

          Muôn cánh dược lan óng ánh vàng.



               Kỳ nhị

Niên lai thế sự dữ tâm vi

Nhật vọng gia sơn phú thức vi

Thuỷ quốc thiên hàn kinh tuế mộ

Mộc lan hoa lão vũ phi phi.



Dịch thơ:

          Năm qua thế sự vẫn lánh xa

          Ngày buồn diệu vợi ngóng quê nhà

          E sợ cuối năm trời giá lạnh

          Mưa chan, gió dội gốc lan già.



Ngoài những bài thơ còn lưu lại trên sách, hiện nay còn một bài thơ của ông Lê Quát được khắc trên đá tại núi Hàm Rồng, Thanh Hoá. Đây là bài thơ ông làm vào năm Bính Ngọ ( 1366) – Đại Trị năm thứ 9 – Trần Dụ Tông, khi ông được vua cử cùng Tả bộc xạ Tăng Khoan vào duyệt sổ đinh của xứ Thanh Hoá.

Danh sĩ thời Nguyễn là Phan Huy Chú đã viết về ông Lê Quát trong Lịch Triều hiến chương loại chí: “Chí ông chuộng chính học, bài dị đoan. Do văn học mà ông được làm quan, cùng nổi tiếng ngang với Phạm Sư Mạnh. Thời bấy giờ người ta đều khen Lê, Phạm…” (8)

Trong Từ điển văn học ( bộ mới), Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã có nhận xét: “ Qua những bài thơ còn lại, có thể thấy ông là người phóng khoáng, không lấy việc làm quan làm một sự ràng buộc hành vi và tư tưởng… Đôi khi, sau một đôi nét chấm phá đơn sơ mà sắc xảo về cảnh vật, nhà thơ hé cho ta thấy những nỗi cô đơn sầu muộn đang làm xao xuyến lòng ông…Cảm hứng chung toát ra từ nghệ thuật thơ văn của Lê Quát vẫn là một cảm hứng trong sáng chứ không gò gẫm nặng nề. Lòng yêu đất nước đã giúp nhà thơ tạo được một bút pháp tả cảnh sinh động: cảnh quyện lấy tình; và cái nét nhẹ nhõm, hài hoà trong thơ ông cũng là phong cách chung của văn học của cả thời đại…”        (9)

Trường hợp ông Lê Quát cũng là hiếm ở triều đại nhà Trần, bởi vì cha con ông cháu đều làm quan trong triều (ông Lê Quát còn có một người anh trai - khác mẹ- cùng làm quan là ông Lê Dậu, chức vụ Tả thị lang Bộ Hộ, tước Khánh Xuân Bá). Cha của ông là Lê Thân cũng là một danh nho đương thời, làm việc qua bốn đời vua Trần ( Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông và Dụ Tông), chức vụ trước khi hưu trí là Nhập nội Hành khiển Khu mật viện đô kỵ sự ( Tể tướng), nhờ có công lớn với triều đình, đặc biệt là cùng Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn biên soạn bộ: Hoàng triều đại điển và Khảo đính bộ Hình thư nên được vua phong tước Luật Quốc Công. Ông Lê Thân mất ngày 20 tháng 10 năm Đinh Mùi ( 1367), thọ 85 tuổi. Năm Mậu Thân ( 1368) – Đại Trị năm thứ 11 đời vua Trần Dụ Tông, triều đình xuất công quỹ xây dựng miếu thờ Luật Quốc Công Lê Thân tại làng Vĩnh Duyên ( nay thuộc làng Mậu, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá) và khắc văn bia ca ngợi công lao. Trong bài văn bia có câu: “ …Đương sơ Hàn lâm Hiệu lý/ Trợ công vị trí Quốc công/ Tứ triều danh thần lương tướng/… Tử tôn đương chức tử hồng…” là nói đến việc ông Lê Thân, sau khi thi đỗ ( khoa Giáp Thìn, tháng 3 – 1304, năm Hưng Long thứ 12 đời vua Trần Anh Tông) ban đầu nhận chức Hàn lâm hiệu lý, là danh thần qua bốn triều vua, tước vị Quốc Công và sau khi ông mất thì con  cháu vẫn còn đương chức tại triều.( Vào năm 1415, tướng Trương Phụ, nhà Minh trong một lần vây đánh cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Chích đã tàn sát cả làng Cổ Định, giết chết hơn 3000 người, chỉ còn 18 người chạy thoát, trong đó có cháu đời thứ 5 của Cụ Lê Thân là ông Lê Thìn, sau đầu quân theo Lê Lợi  làm tới chức Hiệu Vệ Úy Xa Kỵ tướng quân. Đền thờ Cụ Lê Thân cũng bị tàn phá  trong dịp đó) (10)

Ông Lê Quát mất ngày 25 tháng 3 năm Bính Dần ( 1386), thọ 67 tuổi. Triều đình cho đưa di hài về an táng tại quê ngoại làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, Thanh Hoá ( nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá). (11) Đây cũng chính là quê hương của Bảng nhãn Lê Văn Hưu, sử thần đời Trần, tác giả của bộ Đại Việt sử ký – bộ sách lịch sử đầu tiên của nước ta.

Sau khi ông Lê Quát mất, nhân dân đã lập đền thờ để hương khói quanh năm tỏ lòng tưởng nhớ một danh nhân lỗi lạc một thời. Trên đền thờ còn có đôi câu đối:



Thi như đôn nghiệp thiện thuận dật tiền nha

Trung hiếu truyền gia triệu bồi lưu hậu trạch (12)

Tạm dịch:

          Văn thơ nức tiếng người đời ai cũng biết

          Trung hiếu gia đình còn lưu mãi về sau.



Tuy nhiên, đến nay, trải qua bao biến thiên của lịch sử mà đền thờ danh nhân Lê Quát hầu như không còn. Nhìn cảnh cũ, nhớ người xưa chạnh lòng không ai lại không buông tiếng thở dài. Xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá – quê ngoại của ông Lê Quát – có kế hoạch khôi phục lại đền thờ danh nhân Lê Quát, nhưng lực có hạn, rất mong các cấp chính quyền, bà con xa gần, nhất là dòng họ Lê Đình tại xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá và những ai quan tâm đến các danh nhân xứ Thanh nói chung, danh nhân Lê Quát nói riêng cùng chung tay, góp sức. Mong lắm thay./.



                                                                        TP. Hồ Chí Minh cuối năm Tân Mão

                                                                                   L.H
Nguồn tư liệu:

(1)- Gia phả dòng họ Lê Đình ( Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hoá) quyển thượng.

(2)- Gia phả dòng họ Lê Đình ( Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hoá) quyển thượng

(3)- Đại Việt sử ký toàn thư ( Ngô Sĩ Liên), trang 108, Tập II -NXB KHXH năm 1985

(4)- Đại Việt sử ký tiền biên ( Ngô Thì Sĩ), trang 477 –NXB KHXH năm 1997

(5)- Đại Việt sử ký tiền biên ( Ngô Thì Sĩ), trang 465,466 – NXB KHXH năm 1997

(6)- Đại Việt sử ký tiền biên ( Ngô Thì Sĩ), trang 458 – NXB KHXH năm 1997

(7)- Hoàng Việt thi tuyển: trang 169-172; Trung tâm nghiên cứu Quốc học, NXB Văn học 2007

(8)- Phan Huy Chú-Lịch triều hiến chương loại chí ( Tập 1-bản dịch)NXB KHXH năm 1992

(9)- Nguyễn Huệ Chi,Mục từ “ Lê Quát”-Từ điển văn học ( bộ mới) NXB Thế Giới năm 2004

(10)- Gia phả dòng họ Lê Đình ( Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hoá) quyển thượng

(11)- Gia phả dòng họ Lê Đình (Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hoá) quyển thượng

(12)- Trang điện tử Tộc Nguyễn Xuân ( Thiệu Trung, Thiệu Hoá, Thanh Hoá)

  

1 nhận xét:

  1. TÔI ĐANG MUỐN TÌM HIỂU VỀ CỤ lÊ tHÂN, VẬY CÓ TÀI LIỆU NÀO VỀ CỤ KHÔNG, ĐẶC BIỆT LÀ TÀI LIỆU CỤ THI ĐỖ KHOA 1304

    Trả lờiXóa