Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Di tích Nghè Giáp

Bữa rồi một nguời cùng quê cung cấp thêm bài viết của NGhè Giáp, bạn Le dinh Dung. Mình xin cung cấpt thêm bài viết về Nghè Giáp như một ủng hộ ai yêu quê hương Cổ Định- Tân Ninh.
Phòng GD-ĐT TRiệu Sơn.
Cổ Định - Tân Ninh một vùng đất thiêng - Địa linh nhân kiệt. Sơn thuỷ hữu tình.Từ thời thượng cổ nơi đây là một tụ điểm của cư dân Việt. Với cái tên khai sinh Chạ Kẻ Nứa cũng cho thấy nó là cộng đồng của thị tộc nông thôn nguyên thuỷ thuở xưa. Chính từ cái nôi đầu tiên này vào thời Vua Minh Mệnh triều Nguyễn đã hình thành Tổng Cổ Định, có địa lý hành chính rộng xấp xỉ bằng diện tích một huyện trung bình của Đồng bằng Bắc Bộ ngày nay.
 alt
Tam quan Nghè Giáp

Cùng với sự phát triển của Lịch sử cái tên làng cũng được thay đổi nhiều lần, sự tách nhập cũng được diễn ra theo những thời điểm cụ thể. Song dẫu có thay đổi thế nào thì hai tiếng Cổ Định vẫn trường tồn, giải thích xuất xứ của làng mà từ xửa từ xưa đã có rồi, đã biến thành tên riêng của một vùng dân cư nhất định:
Kẻ Nưa cảnh trí nhịp nhàng
Sau lưng là núi trước làng là sông.
                                ( Lê Đình Khải)


alt
Cổ Định- Tân Ninh dựa lưng vào núi Na Sơn (Ngàn nưa). Nằm ở phía Tây Nam cách Thành phố Thanh Hoá ngày nay chừng 18 km. Nằm phía Nam cách Thị Trấn Giắt (Huyện Triệu Sơn ngày nay) khoảng 9 km. Phía Bắc giáp xã Thái Hoà; Phía Đông giáp xã Đồng Lợi; Phía Tây giáp xã Mậu Lâm Huyện Như Thanh; Phía Nam giáp xã Tân Thọ huyện Nông Cống.
Dòng sông Lãng (Sông Nhơm) theo hướng TB - ĐN xuyên qua làng, đổ vào sông Mực, chảy ra biển Đông. Sự hiện diện của dòng Lãng Giang góp phần cho vẻ trù phú tốt tươi và vẻ đẹp huyền thoại của  xóm làng, bởi những cây cầu nối niềm vui dân cư đôi bờ.
Có lẽ từ thế núi thế sông ấy mà dân cư xưa đã chọn nơi đây lập làng sinh sống.  Cổ Định- Tân Ninh với sự ra đời của 10 Đình, 9 Chùa,  diện tích 2.573,99 ha là một khu vực dày đặc các di tích lịch sử văn hoá. Vùng đất thiêng này cũng đã sản sinh biết bao anh hùng hào kiệt, danh nhân làm rạng danh Tân Ninh - Cổ Định, rạng danh non sông đất Việt.
Về với đất Cổ Định mỗi chúng ta không thể kìm được sự phấn chấn, khát khao đến với những duệ hiệu được sắc phong ở các di tích:
Đền thờ Luật Quốc Công Lê Thân.
Thần Nghè Giáp: Trần Khắc Chân
Thần đền Nưa.( Đền Bà Triệu)
Đền thờ Lê Lôi (Lam Sơn khai quốc công thần).
Quan Tào Sơn, Tả hữu điện tiền, đô chỉ huy sứ  Lê Trọng Đạt.
Đền thờ (Hoàng Giáp) lê Bật Tứ
di tích Nghề Giáp  toạ lạc bề thế trên một khu đất rộng chừng 4 ha. Câu đối ngắn của các bậc tiền bối truyền ngôn để lại đến ngày nay là:
Đường lâu bài văn vật
Tuỳ điện khởi tôn ty
Dịch nghĩa: Từ thời nhà Đường, Nghè Giáp là lầu các để cất giữ những bằng sắc.
Bắt đầu từ thời nhà Tuỳ đã có điện thờ này.
Nghè Giáp được xây theo kiến trúc khép kín hình chữ U. Nghè Giáp là điển hình nghệ thuật kiến trúc thời Lê. Nét riêng của nghè là vóc, dáng hàng cột to cao hơn các ngôi đền khác, sự hài hoà giữa kèo, dường cột, không chạm trỗ cầu kỳ mà khoẻ chắc thanh thoát, nhà chính điện mặt quay ra đường cái nhìn vào dãy Ngàn Nưa. Hai ngôi nhà bên (tả, hữu) quay mặt vào sân rồng  đủ bàn ghế cho mấy trăm chỗ ngồi, sân rồng lát đá mài nhẵn tuyệt đẹp và sạch sẽ, rộng khoảng 400 mét vuông. Tam quan của Nghè rộng bề thế bán kiến trúc điển hình của các tam quan đình nghè thời Nguyễn, bên ngoài cửa chính có lá chắn kiểu cuốn thư, muốn vào cửa chính  phải lách người nghiêng qua mép cuốn thư, trước mặt cuốn thư là một khu đất rộng vuông vức lát gạch rất đẹp. Cạnh sân rồng có cây thuỷ tiên, quanh năm hoa thơm ngát.
 Hai bức tường trước cổng nối giữa cổng chính với cổng phụ đắp nổi  hình Mã, Tượng vóc dáng dũng mãnh, khoẻ, chắc. Lối vào cổng chính hai bên tả - hữu. Quan văn, quan võ đường bệ, uy nghiêm , tất cả đều cân đối, hài hoà, thanh thoát. Đầu trên (Phía Bắc), dưới (phía nam) cổng có trồng 2 cây đa to. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, số phận của Nghè Giáp  cũng lận đận long đong, lúc kiêu hãnh, hoan hỷ, lúc ngậm ngùi tủi phận, nhưng cái dáng uy nghi trầm mặc vẫn ngày qua ngày, chứng kiến sự oằn mình đớn đau của làng trước những cam co hoạn nạn, trước sự tàn bạo của quân xâm lược. Một nghìn năm đô hộ của Tàu, một trăm  năm dày xéo của Tây và 20 năm liên miên nội chiến từng ngày.
Nghè Giáp vẫn hiên ngang, sững sững và vẫn là mảnh hồn làng cho người trong cuộc, cho người xa quê, cho cả người viễn xứ, minh chứng sức sống mãnh liệt của làng sau mỗi trận tàn phá không nương tay của quân xâm lược, sự vươn mình đứng dậy của làng, sự thay da đổi thịt qua năm tháng.
Ngôi chính điện- nghè giáp
Nghè Giáp giữ vai trò quan trọng về văn hoá tâm linh của dân Cổ Định- Tân Ninh và như cái Đình đầu tiên thờ các vị Tiên Công, có công lập làng dựng nước.
Nhà sử học Đào Duy Anh nhân một chuyến điền giã về Thanh Hoá năm 1965 đã tìm thấy bia Trường Xuân Hoàng Đế. Căn cứ vào nội dung bia thì Nghè Giáp nằm trong trên dưới 100 đền thờ Thánh Lưỡng gọi là Tham Xung Tá Thánh có tên gọi là Lê Hựu. Ông là con trai thứ 3 của thái thú Quận Cửu Chân là Lê Cốc (Lê Ngọc) một quan lại của nhà Tuỳ sang làm thái thú Quận Cửu Chân. Sau khi Lý Uyên nhà Đường tiêu diệt được nhà Tuỳ bên Trung Quốc lên làm vua, bèn sai quân tướng sang Giao Chỉ để tiêu diệt quân Tuỳ với mục đích thâu tóm đất đai rồi sáp nhập vào Trung Quốc. Trong thời gian quân tướng nhà Đường đi đến đâu các thứ sử thái thú nhà Tuỳ hàng tới đó, chỉ còn lại Cửu Chân cha con thái thú Lê Cốc không chịu đầu hàng. Ông Xưng vua, lấy hiệu là Trường Xuân Hoàng Đế, đóng đô ở Đông Đô, Đông Ninh ngày nay, tổ chức kháng chiến chống nhà Đường kiên quyết bảo vệ quận Cửu Chân. Quận lỵ Cửu Chân theo đường chim bay cách Chạ Kẻ Nứa chừng 4 km. Bởi thế Ngàn  Nưa trở thành hậu cứ của Lê Cốc.
Gần 3 năm trời cha con ông đã chiến đấu vô cùng anh dũng nhưng tương quan lực lượng quá chênh lệch, quân giặc xiết chặt vòng vây. Cửu Chân bị phá vỡ. Gia đình ông bị tử nạn chỉ còn người con trai thứ 3 là Lê Hựu bấy giờ đang đương chức Tham Xung Tá Quốc Công, thoát khỏi vòng vây nhưng bị trọng thương, ông bị chém gần đứt cổ. ông đã tự mình băng bó, một mình một ngựa phi vào chợ Nưa với ý đồ xuống Cầu Quan rồi vào dốc Bò Lăn - nơi chị ruột của ông đóng quân. Rời khỏi Chạ Kẻ Nứa do quá sức, ông vào quán bên đường của bà lão uống nước. Ông uống liền một hồi mấy bát nước,vối rồi hỏi bà lão: Này bà lão! Bà từng bấy tuổi ngồi đây bán nước đã thấy ai bị chém đứt đầu lắp lại buộc qua quýt mà sống được không?.
Bà lão trả lời: Chỉ có Tướng Công thôi.
Nghe xong ông đứng dậy tay nâng đầu mình lên khỏi cổ ném xuống rồi chết. Con ngựa bạch của ông rống lên từng hồi rồi lộc cộc, lộc cộc nước kiệu đi xuống Cầu Quan, đến đầu làng Côn Mưng nơi có thành luỹ của tham xung tá Quốc Công thì lăn ra chết. Nhân dân xây đền Bạch Mã để thờ con ngựa và chủ của nó.
Công Chúa (con gái của Trường Xuân hoàng đế) khi nghe cha và em bị vây ở quận lỵ Cửu Chân từ dốc Bò Lăn bà mang quân đến cứu trợ. Đến Cầu Quan biết tin dữ bà đứng giữa cầu ôm mặt ngửa lên trời kêu 3 lần "Ối trời ơi!" rồi nhảy xuống sông Cầu Quan tự vẫn. Xác bà trôi đến ngã ba Cây Trôi, rồi đến ngã ba nơi sông Lãng gặp sông Riềng, xác bà cứ luẩn quẩn không trôi ra biển, nhân dân hai bên bờ trông thấy vớt lên chôn cất tử tế và lập đền thờ cúng, vì thế mới có tên gọi ngã ba vua bà, hiện vẫn còn đền thờ tại xã Tế Nông huyện Nông Cống. Còn nhân dân Chạ Kẻ Nứa làm miếu thờ Tham Xung Tá Thánh là Lê Hựu còn gọi là thánh Lưỡng. Như vậy Nghè Giáp khởi thuỷ là điện thờ Tham Xung Tá Thánh và cả gia đình ông hy sinh vì nạn nước (Thờ Thánh Ngũ vị).
         Trong bài văn tế thần hàng năm ở Nghè Giáp có câu:
Cẩn rẩy! Tôn thần chi nghi! Vậy tiền viết chủ vị đất thánh Nghè Giáp. Ngũ tôn thần Chí Linh! Cẩm Tú Giang San Hữu chủ, sơn nguyên lãnh địa, do thần, ngưỡng vọng công đức tiền nhân!
Lãnh địa hữu, Na sơn lãng thuỷ! Thần nhân phù trợ, hưng thịnh thiên thu thư, Ngũ tôn thần Tham Xung tá thánh.
Sau này Nghè Giáp còn thờ 10 vị Tiên Công có mặt từ thuở sơ khai góp công lập làng thuộc 8 dòng họ của làng Cổ Định- Tân Ninh.
Tại Nghè có Câu Đối ghi rõ:
Sơ canh khai phá
Thập vị Tiên Công
Lê Hứa Nguyễn Hoàng
Doãn Phan Ngô Trịnh
Viễn Sơn Nhi Định
Cận thuỷ tất thành
Thế thế quảng canh
Niên niên đại chúng
Ý nói: Bước sơ khai ban đầu Kẻ Nứa được lập làng có 10 ông tham gia nhưng chỉ có 8 họ, nơi đây xa núi gần sông làm ăn phát đạt.
Ở ngoài Nghi Môn của Nghè Giáp còn câu đối đắp nổi, do không biết có người đã đục đẽo đi một ít nhưng vẫn còn đọc được.
Thánh hiển từ Đinh, Lý, Trần, Lê, dĩ lai bách dư đạo sắc phong chúa tể thần quyền khâm đế bá.
Lãnh địa đắc Lãng thuỷ Na Sơn chi mạch thập phân định cổ ấp văn hoa dân tộc Diễn Công Hầu.
Tạm dịch là: Thánh hiển từ Đinh, Lý, Trần, Lê đến nay hơn trăm đạo sắc phong đứng đầu thần linh do vua ban.
Linh địa có mạch sông lãng, núi Nưa phân 10 ấp cổ văn hoa dân tộc Diễn Công Hầu.
Không những có tầm quan trọng về văn hoá tâm linh của dân làng Cổ Định, Nghè Giáp còn là nơi đón các Thái học sinh, Tiến sĩ vinh quy bái tổ về gặp gỡ dân làng. Đơn cử một số ví dụ như:
Thời Trần Anh Tông (1276-1320) khoa thi Giáp Thìn (1304) làng Cổ Định có 4 người đỗ Thái học sinh (tức tiến sĩ) là Lê Thân, Doãn Băng Hải, Lê Duy Thúc và Lê Duy Xử, trong đó có gia đình cụ Lê Duy Đàn: ba người dự thi và đều đỗ  (Hai con trai một con rể) trong bài thơ đề trên bức trướng của làng Cổ Na có câu:
Toàn gia tam tiến phục chi lai
Nhất cử đăng khoa thi đại tài
Từ cổ chí kim thì đắc thử
Lưỡng chi lan huệ nhất chi mai.
Dịch là:
Một nhà ba tiến hiếm xưa nay
Một khoa đỗ cả thực đại tài
Cổ kim đâu dễ ai được thế
Hai nhành lan huệ một nhành mai.
Thời Lê trung hưng, đời vua Lê Thế Tông, khoa thi Mậu Tuất (1598) cụ Lê Bật Tứ (1526-1627), một người có tư chất thông minh, hiếu học đã đậu tiến sĩ rồi đậu Nhị giáp (tiến sĩ tức Hoàng giáp). Tên cụ đã được khắc trên bia đá dựng taị Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội.
Ngoài ra còn có nhiều nho sĩ, có học vị cử nhân, tú tài như:Lê Bật Giác (1611), Lê Bật Thế (1621), Lê Ngọc Quang (1868), Lê Ngọc Toản (1868), Trương Bá Kiều, Lê Trọng Nhị (1880)
Nghè Giáp còn chứng kiến mảnh đất Cổ Định có biết bao nhà ngoại giao nổi tiếng mà Triều Đình cử đi Sứ sang Trung Quốc. đặc biệt dòng họ Doãn  có tới 6 người : Đời Lý  có cụ Doãn Anh Khải (1130), cụ Doãn Tử Tư (1164). đời Trần có cụ Doãn Băng Hải (1312), Doãn Ân Phủ (1322). Đời Lê có cụ Doãn Hoằng tuấn (1480), Cụ Doãn Mậu Khôi (1567). Đời Lê Trung hưng có cụ Lê Bật Tứ (1606).
Ở gian chính giữa trước bàn thờ có một sập bằng gụ để các ông Nghè ngồi, ngoài ra sập gụ ấy chỉ có các bậc cao niên từ tám mươi tuổi trở lên mới được ngồi vào mỗi khi làng có việc. Bởi thế cái tên Nghè Giáp còn để phân biệt với các Đình, Đền khác mà sau này mới lập nên.
Ngày nay con em Cổ Định có nhiều người thành đạt, trở thành anh hùng, giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp vv. Họ đã và đang cống hiến sức mình xây dựng quê hương, đất nước. Vì sự học của con em trên đất hiếu học, có người đã hỗ trợ cả nửa tỷ đồng tiền việt cho việc khen thưởng những giáo viên và học sinh đạt thành tích cao trong giảng dạy - học tập, những em nghèo vượt khó vươn lên trong học tập hàng năm. Rồi rất nhiều những nhà tài trợ khác bằng nhiều hình thức đã và đang đầu tư cho việc tu sửa các di tích lịch sử văn hoá; Tu sửa, xây dựng các nhà trường trên địa bàn Tân Ninh- Cổ định.
Thời kỳ Lê Trung Hưng đã xảy ra một sự kiện khiến phải đổi hướng của Đình từ Đông sang Tây (Cổng Đình quay nhìn về phía núi).
Chuyện là thế này: Có một lần Chúa Trịnh (Tây Vương Trịnh Tạc) cởi voi du hành qua làng Cổ Định khi voi đi đến bia Hạ Mã (trước cửa Đình), Chúa không xuống voi. Bỗng dưng con voi sòi bọt mép rồi lăn đùng ra chết. Chúa tức giận quá, còn nhân dân và những người chức sắc trong làng chỉ biết quỳ bái kêu xin Chúa tha tội. Chúa bớt giận không chém giết ai nhưng bắt làng phải đan một con voi bằng tre, nứa to như voi thật bỏ đầy tiền rồi nộp cho Chúa.
Cực chẳng đã, dân làng thắt lưng buộc bụng bảo nhau quyên góp và vận động các xã lân cận ủng hộ. Làng còn kết nghĩa với làng Cổ Đôi (Văn Đôi  Hoàng Giang  Nông Cống ngày nay) vì thế cũng có thêm được ít tiền bỏ vào voi. Thế mà cái vòi voi vẫn thiếu  tiền. Biết rằng Tấc đất, tấc vàng nhưng làng phải bấm bụng bán đi cái mau Đan Lồ (lồ, tức: lờ) cho xã Đồng Lợi. Có lễ vì vậy cái mau ấy mang tên mau Đan Lồ (Lờ đơm cá giống cái vòi voi). Con voi của Chúa được chôn ở cánh đồng hiện nay vẫn còn  cồn chôn voi gần đổi chính ngự cạnh đường cái quan gần giáp làng Tào Lâm (Xã Thái Hoà ngày nay).
Sợ quá, nếu cứ thế này một lần nữa thì quanh năm Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng không đủ cho một vụ nộp phạt, hơn nữa bấy giờ (nhất là phụ nữ) khi đi qua cổng Nghè đều phải dùng nón che mặt, không dám nhìn vào nghè sau đó ít lâu, thông qua các bô lão và hàng ngũ chức sắc trong làng, dân làng phải quay mặt cửa Nghè từ hướng Đông sang hướng Tây. Từ đó dân làng làm ăn yên ổn, kinh tế phát triển, con em trong làng học hành đỗ đạt, làng ngày một hưng thịnh. Hiện nay vẫn còn dấu tích của cửa Nghè cũ. Mới đây một vị đứng đầu bản hội trong làng đã trồng một cây Đại để lưu lại dấu tích cửa Nghè xưa.
Trong bài viết "Số phận một ngôi đền" tham luận tại buổi hội thảo khoa học do sở Văn hoá Thanh Hoá tổ chức, bà Lê Thị Hồng Sử (người làng Giáp -Tân Ninh - Hiện đang công tác tại Sở VH-TT-DL Thanh Hoá)
đã viết:
 "Ngôi đền này còn lại được là vì sao:
- Vì to? - không phải.
- Vì thiêng? - không phải.
- Vì tiêu biểu? - Cũng không phải.
To thì càng phải phá vì được việc.
Thiêng thì Phủ Na thiêng là thế mà chỉ vì phong trào... mấy ngày đã tan hoang.
Còn tiêu biểu - có thể như vậy nên mãi đến 1976 mới xử lý (mới thịt).
Ngôi đền còn lại vì nó tự cứu nó.
          Nó tự cứu nó như thế nào xin tìm hiểu qua bà con, nhân dân làng Cổ Định -Tân Ninh"
Còn bao nhiêu chuyện về sự linh thiêng của Nghè Giáp như: Chuyện về cái đế đặt tàn, chuyện về chiếc giường mà ông bà Từ của Nghè Giáp hiện nay đang nằm. Chuyện về những viên đá
Đến thời vãn Trần nhân dân Cổ Định cảm kích công lao to lớn của Trần Khát Chân nên đã phối thờ ông ở Nghè Giáp.
Trần Khát Chân sinh ngày Tân Sửu, tháng Chạp, năm Thiệu khánh thứ nhất (1370). Ông thuộc dòng dõi Bão nghĩa vương Trần Bình Trọng, một danh tướng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Theo sử cũ Trần Bình Trọng thuộc dòng dõi Thập đạo tướng quân Lê Hoàn  Người sáng lập nhà Tiền Lê.
(Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: Khát Chân người làng Hà Lãng huyện Vĩnh Ninh, ba đời làm thượng tướng quân.
Sách Đại Nam Nhất Thống chí (Triều Nguyễn) viết: Trần Khát Chân người xã Hà Lãng, huyện Vĩnh Lộc, gia thế ba đời làm quan triều Trần.
Cuối đời Trần vua Thuận Tông còn nhỏ (12 tuổi) Hoàng Thượng Nghệ Tông vẫn giúp con trông coi việc nước. Nhưng thực chất quyền hành nằm trong tay Hồ Quý Ly. Quân chiêm thành liên tục vào nước ta đánh chiếm (Như các năm Quý Hợi 1383, Kỷ Tỵ 1389, Canh NGọ 1390). Hồ Quý Ly cũng đã cầm quân đi chống cự nhưng bị thất bại ở Thanh Hoá. 1389 Quân chiêm thành dần tiến ra Bắc, đóng quân trên sông Hoàng Giang (Nam Định). Kinh thành náo loạn. Hoàng thượng lo sợ sai Trần Khát Chân đem quân chống giặc.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có câu: Khát Chân vâng mệnh, khảng khái rỏ nước mắt lạy tạ ra đi. Hoàng thượng cũng khóc lấy mắt tiễn đưa. Tiến quân tới Hoàng Giang, thấy chỗ này không thể đánh thuỷ quân của giặc được, Khát Chân cho lui quân về đóng tại ngã ba sông Hải Triều và Sông Nhị Hà. Tháng Giêng, ngày 23 năm Canh Ngọ 1390 Chế Bồng Nga cùng tướng  Nguyên Diệu đem đại binh tiến sau. được hàng tướng của Chiêm Thành là Ba Lậu Kê báo cho Khát Chân biết thuyền của vua Chiêm sơn màu xanh. Khát Chân liền hạ lệnh cho tất cả hoả pháo, cung tên tập trung bắn vào thuyền đó. Chế Bồng Nga bị giết ngay trong thuyền, đạo quân Chiêm như rắn mất đầu tan vỡ nhanh chóng. Khát Chân cho cắt đầu Chế Bồng Nga mang về Bình Than báo tin thắng trận. Bấy giờ đồng hồ đã điểm canh ba, Hoàng thượng nghe tin thắng trận vui mừng khôn xiết, cho gọi các quan đến xem. Hoàng Thượng nói: Ta với Chế Bồng Nga cầm cự với nhau đã lâu nay mới được  thấy mặt, khác gì Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ. Với tài mưu lược của Trần Khát Chân Thăng Long thoát khỏi tai hoạ tàn phá của quân Chiêm.
Sau chiến thắng Trần Khát Chân được phong làm Long Tiệp Phụ Trần nội vệ Thượng Tướng Quân tước hầu (Vũ tiết quân nội hầu), chức Thượng Tướng Quân và được phong thái ấp riêng ở vùng Kẻ Mơ thuộc Hà Nội ngày nay (các làng Bạch Mai, Hoàng Mai là đất phong, hiện còn có điện thờ ông).
Mười năm sau 1399 Hồ Quý Ly chuyên quyền giết Trần Thuận Tông. Trần Khát Chân và một số vương hầu nhà Trần mưu sát ông trong hội thề Đốn Sơn (Đún Sơn).
Sử cũ viết: Quý Ly ngồi trên lầu nhà Khát Chân để xem, theo như lệ thiên tử ngự đến miếu đến chùa. Phạm Tổ Tu và Phạm Ngưu Tất cầm gươm định tiến lên lầu, Khát Chân trừng mắt ngăn lại rồi thôi. Quý Ly thấy chột dạ đứng dậy vệ sỹ hộ tá xuống lầu. Ngưu Tất vứt gươm xuống đất nói: "Cả lũ chết thôi".
Việc bại lộ hơn 370 người bị giết. Người đời truyền rằng Khát Chân khi sắp bị giết có gào lên 3 tiếng, chết qua 3 ngày xác vẫn như sống, ruồi nhặng không dám bâu.
Truyền thuyết dân gian kể rằng cũng từ đó trong điệu hò sông mã có câu: Khoan hỡi hồ khoan ý oán trách Hồ Quý Ly không khoan tay đã giết hại Trần Khát Chân. hiện nay tại Vĩnh Lộc có đền thờ ông (Đền Tam Tổng). Tại làng Đông Sơn phường Hàm Rồng thành phố Thanh Hoá có đền Đức Thánh Cả trong đền có câu đối:
  Sống làm tướng có tài thao lược -  Giết giặc cứu nước
                                         Chết thành thần nổi tiếng anh linh - Trừ ác hộ dân.
Sau vụ Đốn Sơn 1400 Trần Khát Chân trở thành biểu tượng trung thần, nhân dân Cổ Định, Tân Ninh đã phối thờ tại Nghè Giáp cũng nhằm nhắc nhở các thế hệ, các tầng lớp con em trong làng xã luôn tri ân những người có công giữ nước.
Ở Kẻ Nứa có truyền thuyến về Trần Khát Chân:
Hồ Quý Ly sai Trần Khát Chân mang quân về xây thành Tây Giai, ông có cây gậy rút đất. Hàng ngày khi xong công việc tối đến ông lại về với vợ. Bấy giờ lệ làng nghiêm ngặt lắm. Nếu Chồng vắng nhà mà có chửa thì bị bắt vạ nộp phạt 100 quan tiền. Bà vợ ông kêu oan không ai tin. Làng đòi phải có chứng cứ rằng:  phải thấy ông có nhà thì sẽ được tha nộp phạt. Đêm hôm đó như thường lệ ông dùng cây gậy rút đất về với vợ, bà vợ liền giấu cây gậy đi, thế là Trần Khát Chân không rút đất để đến kịp Thành Tây Giai. Làm chứng được cho vợ, nhưng ông lại bị Hồ Quý Ly luận tội chém đầu vì bỏ bễ công việc.
Trải qua bao bão táp, cuộc đời của Nghè Giáp có lúc tưởng như không trụ nổi, không qua khỏi trước nạn xâm lăng, rồi khốn khổ thay những ngày cách mạng phản Đế, phản Phong. Những ngày cải cách ruộng đất. Cuộc vận động đời sống mới. Lê Sỹ Thắng (tiến sỹ triết học)  về thăm quê sau CCRĐ đã thốt lên:
                                   Ngàn cân cán bút thẫn thờ
                             Ba mươi năm đọng một giờ buồn vui.
Dẫu thế nào, Nghè Giáp vẫn còn đó, vẫn hiên ngang, vẫn hào hùng, trầm mặc, tôn nghiêm và tồn tại vĩnh hằng.
Các bậc cao niên trong làng giờ đây vẫn rất hào hứng kể lại những ngày được học bên Nghè. Cái vẻ uy nghiêm, rêu phong cổ kính của Nghè là niềm khích lệ, thôi thúc họ chỉnh chu hơn về việc học hành tu dưỡng. Những ngày tuần tiết hoà lẫn với tiếng chuông linh thiêng vọng hồn dân tộc, khói hương trầm nghi ngút là tiếng niệm cầu của biết bao sinh linh trong làng, ngoài làng mong sao cho quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc. Cầu cho lũ mặt người dạ thú, bọn quỷ xâm lược sớm phải quỳ gối xin hàng. Nghè Giáp, cái mảnh hồn làng thuở ấy luôn là niềm an ủi, động viên, phấn khích cho mọi tầng lớp nhân dân Tân Ninh - Cổ Định. Họ lấy đó làm niềm kiêu hãnh mà vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
Tiếc thay đến những năm 1960 - 1970 trong cuộc vận động đời sống mới, Nghè Giáp chịu chung số phận với các Đình, Chùa khác. Bị Phá bỏ lấy cột làm cầu, làm trường học. Thế là hai dãy nhà dọc (mỗi dãy 5 gian) tả - hữu sân rồng bị phá, hiện nay chỉ còn phần chính điện.
Những năm gần đây dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương, nhân dân trong làng, xã, các bản hội, các nhà hảo tâm đã và đang cùng nhau tu sửa tôn tạo để đáp ứng đời sống văn hoá tâm linh và giữ gìn di sản văn hoá của làng, của dân tộc.
Hàng năm sau khi ăn tết xong từ  ngày10 - 20 tháng giêng nhân dân Tân Ninh, Cổ Định lại mở hội gọi là lễ hội đền Nưa (Phủ Nưa). Nội dung lễ hội rất phong phú, đa dạng: hội thờ thánh, hội thờ mẫu, các nhà sư đi chùa gõ mõ tụng kinh, hát chầu văn, rước kiệu. Nhân dân Cổ Định- Tân Ninh và nhân dân ở khắp nơi nô nức về đây trẩy hội. Vài năm gần đây có cả các bản hội, nhân dân từ Sài Gòn, Hà Nội, có cả du khách nước ngoài. Vui nhất là ngày 20 (ngày cuối cùng) cuộc rước kiệu từ đền Nưa ra (Kiệu bà): Đoàn tham gia khênh Kiệu là những cô gái chưa chồng, tuổi từ 18-20. Từ Nghè Giáp xuống (Kiệu ông): Đoàn tham gia khênh Kiệu là những thanh niên nam chưa vợ tuổi từ 18-26) hai đám rước gặp nhau tại ngã ba Đình Thượng nhập thành đoàn. Kiệu ông, Kiệu bà và dòng người trẩy hội dài đến 2 km tất cả kết thành dòng người trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng sáo, tiếng chầu văn, tiếng trò chuyện, thật đúng là vui như trẩy hội. Tất cả tiến về sân vận động của xã làm lễ tế - cúng, sau đó vòng qua cầu Đình Làng Đài thắp hương nhà thờ Lê Bật Tứ rồi qua miếu Tào Sơn Hầu quay về Nghè Giáp. Lễ Hội kết thúc lòng mỗi người sảng khoái vấn vương. Sau lễ hội nhà nhà, người người thi đua làm ăn, các thế hệ thanh thiếu niên thi nhau học tập, tình làng nghĩa xóm được vun đắp thêm.
Với sự nỗ lực cố gắng không ngừng của Đảng ủy, ủy ban và các tổ chức đoàn thể cũng như nhân dân xã Tân Ninh, năm 1993 Nghè Giáp cùng với Đền Nưa, Miếu Tào Sơn Hầu vinh dự  được Sở Văn Hoá thông tin Thanh Hoá công nhận là Di Tích lịch sử văn hoá của Tỉnh.
Năm 2009 Nghè Giáp được UBND, Huyện Uỷ, Phòng Văn Hoá thông tin Huyện Triệu Sơn, Phòng GD&ĐT Huyện Triệu Sơn giao cho Trường THCS Tân Ninh chăm sóc di tích Nghè Giáp. Cùng với việc đặt bia chăm sóc di tích lịch sử AM Tiên của ngành GD & ĐT huyện Triệu Sơn, ngày 22 tháng  12  năm 2009 trường THCS Tân Ninh đặt bia chăm sóc tại Nghè Giáp. Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ: Hãy hướng về cội nguồn dân tộc, tri ân tổ tiên và những người có công vì nước. Hãy gìn giữ muôn đời "Mảnh hồn làng - Nghè giáp" 
Ngày 22 tháng Giêng năm Kỷ Sửu ( tức ngày 16 tháng 02 năm 2009), Phó chủ tịch nước nguyễn Thị Doan về thăm di tích lịch sử Am Tiên, ngoài việc trồng cây đa lưu niệm  bà còn căn dặn nhân dân, chính quyền và các nhà trường trong địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc chăm sóc và bảo vệ các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn Tân Ninh - Cổ Định  nhằm góp phần giữ gìn, tu sửa, tôn tạo  các di sản văn hoá dân tộc.
                              Tân Ninh, ngày  20 tháng 03 năm 2009
                                          Nguyễn Thị Hoa
                                 Trường THCS Tân Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét