Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019


                          “Trại 37 chú và nàng Bạch Tuyết” bên dòng Sê San
                                                                                         Quốc Ninh
Ấy là tôi muốn nói đến một bộ phận gồm 37 cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công của Công ty công trình ngầm (thuộc Tổng công ty thủy điện Sông Đà) một trong những công ty chủ lực xây dựng công trình thủy điện Ia Ly ngày nào. Bởi họ là những người đầu tiên “ngủ rừng, cơm vắt” bên hữu ngạn sông Sê San để đặt máy khoan đường hầm dẫn nước và đường hầm đặt các Tổ máy cho Thủy điện Ia Ly…
Còn nhớ, một ngày mùa khô cuối năm 1992, tôi cùng các đồng nghiệp Thanh Phong, Đức Thanh và Trần Văn Nghĩa có chuyến công tác tại công trường xây dựng Thủy điện Ia Ly. Mấy ngày liền chúng tôi lặn lội trong tiếng ồn ào xe cơ giới, bộn bề đất đá công trình; cùng ăn cùng ở với những công nhân thi công trên công trường. Nhưng ấn tượng nhất là đêm cùng với trại của 37 cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật bên rừng sông Sê San đặt dàn khoan núi. Gọi “trại” là bởi: công ty thì đóng bản doanh bên hữu ngạn sông Sê San (thuộc đất Gia Lai), còn họ-37 cán bộ kỹ sư và công nhân thợ khoan  hầm thì đóng trại tiền tiêu để khoan hầm đặt các tổ máy của thủy điện Ia Ly ở bên hữu ngạn Sê Sê San (thuộc đất Kon Tum) . Khi ấy, người trực tiếp đưa chúng tôi đến trại là các kỹ sư tên Trung và Đức phụ trách kỹ thuật, đồng thời là chỉ huy đội khoan núi. Ngày ấy, đập chưa ngăn nên đi lại giữa 2 bờ công trình Thủy điện Ia Ly phải vượt sông Sê San phải bằng xà lan hay ca nô. Khi chúng đến thì anh em kỹ sư và công nhân đang lắp đặt dàn khoan hầm dẫn nước. Chứng kiến khoan hầm là vậy, nhưng với mắt thường của chúng tôi thì chỉ thấy đứng trước một vách núi như một bức trường thành, heo hút hoang vu…Khi hoàng hôn buông xuống, chúng tôi theo mọi người về trại . Nói là trại, thực ra chỉ có cái lán sơ sài nhiều cột. May chăng lán của chỉ huy Đội còn ra dáng cái nhà có bàn có líp che. Còn lại anh em mắc võng ngủ như bộ đội thời chiến. Chiều về mọi người sau khi tắm suối thì quây quần về lán. Hôm ấy, chúng tôi cứ thấy họ nấn ná như đợi ai…thì có tiếng reo:
-A. “Bạch Tuyết” về rồi. Thì ra, người phụ nữ ngồi trên cái xe máy “công trường” bám đầy đất đỏ, với lỉnh kỉnh thực phẩm tươi sống; và, khác mọi ngày là có thêm can rượu, 2 thứ mà mọi người đang đợi: “Bạch Tuyết” và rượu, vì hôm nay trại có khách mà. Giải thích cho chúng tôi kỹ sư Trung hóm hĩnh rằng: “Trại có 37 chàng đực rựa, duy chỉ mỗi Mỵ người phụ nữ duy nhất vừa làm kỹ thuật vừa là “chị nuôi” cho cả đội”. Dừng đôi chút, Trung nói thêm: “Mỵ tuổi đã ngoài 30 nhưng vẫn mãi mê năm tháng theo hết công trình này công trình khác, anh em xem Mỵ là “Bạch Tuyết” của mình”
Đêm ấy, chúng tôi đã vui hết mình giữa chốn rừng thẳm cùng những người thợ khoan. Một không gian lãng mạng mãi đến bây giờ tôi vẫn nhớ, ấy là cái tiếng suối róc rách, róc rách bên tai. Và rừng thật lạ, phong lan ta mang từ rừng về nhà trồng hoa thường thơm vào buổi sáng, còn ở chốn thâm sâu này màn đêm sập xuống lại có thoảng mùi hương. Và câu chuyện giữa chúng tôi mỗi lúc một gần để chia sẻ hiểu nhau hơn. Mỗi người trong đội đều có một biệt danh: Trung và Đức đều học ở Liên Xô (cũ), Trung to cao giọng khàn nên gọi “Trung cồ”; kỹ sư Đức râu quai nón 37 tuổi chưa có người tình vắt vai gọi “Đức râu”. Còn Mỵ, là nàng “Bạch Tuyết” của cả trại, nhưng với riêng mình đã trèo đèo lội suối cả núi rừng Tây Bắc đến núi rừng Tây Nguyên, vẫn chưa chưa tìm được “A Phủ” cho mình…
Bây giờ, mỗi khi có dịp cùng bạn bè thăm Công trình Thủy điện Ia Ly (Chư Pah, Ia Lai), ai cũng thốt lên về sự vĩ đại của công trình thế kỷ. Tôi và ai đó thạo biết về Thủy điện Ia Ly vẫn thường sang sảng giới thiệu rằng: “Công trình có công suất lớn 720MW, khởi công ngày 4-11-1963, phát điện tổ máy Số 1 vào ngày 12-5-2000…”. Nhưng sau những lời hào sảng ấy, trong tôi thường liên tưởng nhớ về cái ngày xưa ấy. Tôi từng nghe có người sau này là lãnh đạo của Tổng công ty Sông Đà, có người nằm lại mãi mãi bên dòng sông Sê San. Và đâu đó có những người phụ nữ đi xây dựng thủy điện như “Mỵ-nàng Bạch Tuyết” họ vì công trình mà đã thành “vọng phu” ở bến không chồng.
                                                                                     QN