Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

Xin đừng " chặt" phá Hồn quê.

Mỗi năm mỗi bận tôi lại về thăm quê. Không còn như câu thơ “ Mỗi năm mỗi bận con xa về lang/ gốc cây hòn đá cũ càng”; Mà mỗi năm lại thấy quê mình bao đổi thay, đi lên mà mừng. Nhưng, trong cái đi lên của bây giờ cũng có nhiều thứ người ta  bất chấp mà có; cũng có những cái bị thay đổi phải đánh đổi sự mất mát mà có, khiến ta không thể không chạnh lòng. Thậm chí có những đánh đổi phải tàn phá môi trường sinh thái, đánh mất đi cái đã có ngàn đời… Nhưng nỗi lo sợ nhất là làm mai một văn hoá làng xã, là đánh mất đi HỒN QUÊ. 



Đây là Dãy cây có tuổi gần trăm năm

Về làng, được ngồi hàn huyên với mấy người bạn hiện đang sống ở quê thật là thú vị. Bao kỷ niệm tuổi thơ trong ta cứ thế ùa về, cái vui, cái cái buồn, cái tiếc nuối… cứ thế hiện về. Trong bao kỷ niệm thuở xưa, giờ tôi về đất Cổ Định - Tân Ninh, những cái có trong câu hò, trong ca dao dường như chỉ chỉ còn trong ký ức. Chuyện dây cà, dây muống, những người bạn tôi thở dài bảo: ông là nhà báo ông phải chụp ảnh mà lưu giữ các loài cây độc đáo của quê mình đang mai một và có nguy cơ..tuyệt chủng, để mà sau này còn có cái mà kể cho con cháu nghe. Còn DÃY CÂY XÀ CỪ cổ thụ trên con đường vào rừng Nưa, và động Am Tiên nổi tiếng nay mai sẽ bị  chặt ráo. Tôi ngạc nhiên hỏi: sao lại chặt phá? – Thì họ chặt đi chứ sao. Kẻ nào dám – tôi ngạc nhiên vặc lại.  Đám bạn tôi cười buồn, bất lực: họ sẽ chặt để mở đường rộng chở quặng crômmite, ông ở nhà mà giữ!

Trời. Vậy sao? Hàng cây đã có gần trăm năm tuổi, có cây to phải 6 người ôm. Hàng xà cừ, bạch đàn , dương liễu hiện diện, dù chỉ dài không đầy cây số, nhưng trở thành độc đáo không nơi nào có được. Hàng cây ấy, đã gắn bó không chỉ thế hệ chúng tôi mà của biết bao đời người. Cái dãy cây cổ thụ mà mỗi buổi trưa hè người nông dân quê tôi lưng trần chân đất gánh lúa trĩu nặng, gắng sức đến hàng cây đến đón gió m, mà quên cái đói…Là nơi để người tiều phu lam lũ quê tôi tựa vào mỗi khi gánh nứa nặng trên vai…là tung tăng tuổi thơ, là nơi hẹn hò gái trai, mà nên vợ thành chồng…Là những người “ vừa sản xuất vừa chiến đấu”, bắn trả máy bay bằng súng trường, ẩn tránh bom đạn Mỹ một thời chiến tranh ác liệt…Nơi ấy với những gốc  cây già  không mảnh bom, viên đạn Mỹ nào có thể xuyên qua.
Bây giờ là con đường cây độc đạo vào khu Di tích quốc gia Am Tiên, nơi đầy trầm tích văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng tâm linh. Nơi có huyệt khí quốc gia. Nói cách khác, HÀNG CÂY XÀ CỪ ở Tân Ninh - Cổ Định đã thành HỒN QUÊ, là  DI SẢN cần được lưu giữ.
Quê tôi cũng như nhiều vùng quê khác, có những miên tre, những bờ vối, cây gạo, bến nước, sân đình …gắn bó với hàng ngàn năm xây dựng nên làng xã - tạo nên hồn quê thật đẹp và trữ tình. Vậy mà, những trầm tích tạo nên hồn quê nay đã không còn. Đến bây giờ, vì nhiều lý do khác nhau  mà những thành tố tạo nên hồn quê - ở quê tôi đã “một đi không trở lại”, còn chăng - giờ chỉ là ký ức. Bởi vậy, không chỉ người đi xa mà những người ở quê vẫn luôn thấy mất mát và lúc nào cũng thấy thiếu thiếu những gì đó trong tâm tưởng đời người...Bởi thế, những đền, chùa miếu mạo, từng bị phá, giờ đang phải tôn xây trở lại. Nhưng những bến nước, với tầng tầng bậc đá bên dòng sông Lê nay chẳng còn – vì đã bị nung vôi! Hình bóng những thôn nữ “ em ngồi đây giặt áo” chỉ còn là “ dấu xưa hồn thu thảo”…

Nếu hành cây xà cừ trăm năm tuổi quê tôi bị chặt, thì đây là chặt phá Hồn quê. Làm sao trồng lại được đây. Bởi mỗi gốc cây hòn đá, mà mỗi đời người quê tôi đi qua, đều ẩn giấu mình trong đó.

Vẫn biết. Quê tôi có mỏ quặng Crômite, trước đây nổi tiếng một thời. Ban đầu là  Pháp khai thác rồi đến Nhật, sau này hoà bình lập lại mỏ Crômit Cổ Định được nhà nước đầu tư xây dựng. Nhưng rồi, những năm 80 của thế kỷ 20, mỏ làm ăn thua lỗ, họ “ bán ăn dần”; tan hoang . Được mấy năm giá quặng lên, bà con nông dân trong xã rủ nhau vào làm quặng “ thổ phỉ”, do đó mà nhiều người khá lên. Thấy hơi hướng của cải, lợi lộc, các doanh nghiệp đang nhảy vào khai thác. Và đây là một trong những nguyên nhân chính đe doạ phá chặt Hàng cây xà cừ cổ thụ có  non 100 năm tuổi,  để chở quặng. Và đâu đó, có người vì muốn kiếm tiền từ nguồn lợi gỗ để biến thành sập, thành, bàn ghế… cũng rập rình. Chao ôi. Lung lay, lung lay…
Đã có nhiều ý kiến nếu mở đường thì cần gì chặt phá. Mà:  mở thêm tuyến đường 2 bên có tốt hơn không. Nếu làm được thế, sẽ  có 3 làn đường thì đẹp biết bao. Nó sẽ trở thành cả dãy phố trong tương lai. Không hiểu những người có trách nhiệm ở quê, Chính quyền các cấp, các nhà văn hoá tỉnh Thanh có biết,  để mà giữ lại cái di sản còn sót lại của đất Cổ Định đó không.
Chở quặng là vì lợi của nhà doanh nghiệp, họ phải tự mở đường. Đừng để của cải thì người ta  kiếm lợi, di sản văn hoá -hồn quê của bao thế hệ người  Cổ Định  - Tân Ninh thì bị họ mưu toan phá bỏ!
Hỡi những ai đã là con cháu Cổ định - Tân Ninh, dù là thứ dân hay người có chức có quyền chúng ta đã có bài học về Ngè Giáp, Đền Nưa, về Chùa Am Tiên, bị phá, nay đang phải  xây lại, thì hãy có hành động giữ lấy Lối cây cổ thụ quê mình.
                                Xin đừng để ai đó chặt mất hồn quê.
Và đây.... 
Hoa Dẻ cũng là một chút ...hồn quê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét