Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Bí thư chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Gia Lai

Vào một ngày cuối thu năm 2012, chúng tôi từ Gia Lai tìm đến ngôi nhà của Trung tướng Nguyễn Đường ở Hà Nội, với mong muốn thắp hương tưởng nhớ ông và tìm kiếm tư liệu để viết lịch sử báo chí cách mạng Gia Lai. Bởi ông là người Bí thư chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Gia Lai. Đón chúng tôi là mấy người con gái của ông: Nguyễn Thị Minh Lợi, Nguyễn Thị Minh Hoài và Nguyễn Thị Minh Hằng. Họ kể về những kỷ niệm gắn với người cha yêu quý và cho chúng tôi xem bản thảo hồi ký về cuộc đời của ông.

Đến với Cách mạng  

Lần giở những trang bản thảo “Cuộc đời tôi” do chính Nguyễn Đường tự truyện (nay đã được in thành sách), tôi càng hiểu hơn về tính cách và sự nghiệp một con người mà tên tuổi ông đã đi vào lịch sử không chỉ của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Gia Lai, mà còn là một tên tuổi trong hàng ngũ tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

 
  Đường Nguyễn Đường (TP. Pleiku). Ảnh: Duy Lê
Đường Nguyễn Đường (TP. Pleiku). Ảnh: Duy Lê  


Ông sinh năm 1921, tại xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trong gia đình bần nông, rất nghèo như trong hồi ký ông viết: “Tôi họ Nguyễn, một tộc họ nhỏ bé, nhỏ đến mức khi tôi đã biết chút ít thì cả họ không quá mười người trong hàng bác, cha, chú, cô tôi”. Ông viết tiếp: “Nói chung, các bác trong họ tộc, theo tôi thấy thì cũng chỉ là bần cố nông, bạch đinh, không ruộng vườn, cày rẽ, ở đậu. Tất cả đều thất học”.

Nhưng nhờ thông minh, lại có ý chí và cả gặp may nữa nên ông đã học hết tiểu học ở trường làng, thi và đậu Trường Quốc học Vinh “vừa làm thuê kiếm sống, vừa học” để rồi tốt nghiệp có bằng Thành chung năm 1939 (tương đương với bằng tốt nghiệp trung học cơ sở bây giờ).
Ông từng mở trường tư nhưng bị Đốc học Hà Tĩnh giải tán vì không có giấy phép. Ông thi đỗ ngạch Thư ký và bị đẩy lên Pleiku làm Thư ký cho Tòa Công sứ Pleiku. Vì có tư tưởng phản kháng nên bị tên Công sứ Pháp bạt tai, cảnh cáo ghi vào hồ sơ lý lịch, cấm không cho ông thôi việc (vì ông nhiều lần làm đơn thôi việc), cấm chuyển ngành… Thật ra chúng muốn “an trí” kìm hãm ông để trị.

Chính trong hoàn cảnh ấy, ông và một số viên chức tiến bộ trong các công sở của Pháp ở Gia Lai đã ý thức rất rõ nỗi nhục của người dân mất nước. Là lớp công chức trẻ, tuy chưa ý thức được nhiều về cách mạng, nhưng khi ấy nhờ sự tiếp xúc và được giác ngộ khi gặp Trần Ren, một đảng viên cũ vừa mới ra tù cuối năm 1944, cùng sự trao đổi với các tù chính trị từ Đak Tô (Kon Tum) trên đường về Quy Nhơn (sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945) ghé qua Pleiku như: Huỳnh Ngọc Huệ, Lê Văn Hiến, Nguyễn Côn, đã giúp cho ông và các viên chức làm việc cho Pháp hiểu hơn về tình hình cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ông nhớ lại: “Đùng một cái, Nhật đảo chính Pháp. Chưa biết nếp tẻ gì nhưng tôi thấy sướng vì thoát được cái gông cùm vô hình quàng cổ bấy lâu. Công sứ, giám binh, Tây lục lộ, tất cả Tây đầm đều bị bắt. Cùng một số anh em thanh niên có tinh thần yêu nước (Trần Ngọc Vỹ, Phan Bá, Dương Thành Đạt, Trương Khôi… N.V), tôi đứng ra lập một tổ chức đoàn thanh niên gọi là Đoàn Thanh niên Gia Lai. Tổ chức của chúng tôi đã thu hút hầu hết thanh niên công chức, dân phố, dân ở một số đồn điền và các xã lân cận Pleiku” và bầu Trần Ngọc Vỹ là Đoàn trưởng, Nguyễn Đường làm Đoàn phó.

Từ đây, Đoàn Thanh niên Gia Lai đẩy mạnh các hoạt động xã hội chống Nhật và tay sai bán nước. Chính vì thế, bọn tay sai thân Nhật đã bắt các ông: Nguyễn Đường, Phan Bá, Trần Ngọc Vỹ, Dương Thành Đạt đưa ra Huế “hỏi tội chống Chính phủ” (Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim) hòng giải tán Đoàn Thanh niên Gia Lai nhưng chúng đã thất bại. Không buộc được tội, chúng trục xuất các ông về quê. Nhưng với tinh thần yêu nước, lại thấy phong trào cách mạng đang lên ở Huế, các ông lại bí mật trở lại Pleiku và tiếp tục lãnh đạo phong trào thanh niên ở Gia Lai, tổ chức huấn luyện quân sự, phát động quần chúng sẵn sàng nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 8-1945, Đoàn Thanh niên Gia Lai đã tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền ở Gia Lai thành công ngày 23-8-1945.

Sau khi khởi nghĩa thành công, ông được bầu là Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh. Các ông Trần Ngọc Vỹ làm Chủ tịch Ủy ban lâm thời, Phan Bá (Võ Đông Giang) làm Phó Chủ tịch, Nguyễn Xuân làm Ủy viên Thư ký Ủy ban. Khoảng một tuần sau, ông Nguyễn Đường và anh Trần Ngọc Vỹ được Việt Minh Trung bộ triệu tập ra Huế họp để bầu Ủy ban Nhân dân Trung bộ. Tình hình ở Gia Lai lúc này vẫn chưa có tổ chức Đảng. Trước tình hình đó Xứ ủy quyết định cử đồng chí Phan Thêm, quê ở Quảng Nam, là đảng viên làm phái viên Xứ ủy lên giúp Gia Lai xây dựng tổ chức Đảng.

Hồi ký của Nguyễn Đường ghi: “Một trong những việc làm đầu tiên của đồng chí Phan Thêm là đưa cho tôi một số tài liệu về Chủ nghĩa Mác-Lênin và về Đảng Cộng sản. Như đại hạn gặp mưa rào, tôi đọc ngấu, đọc nghiến. Có thể nói đọc đến đâu, tôi sáng ra đến đó. Trong tôi như có sự bừng sáng. Muốn thoát khổ phải đấu tranh giai cấp, phải làm cách mạng”. Thấm nhuần điều đó, Nguyễn Đường gia nhập Đảng Cộng sản, trở thành đảng viên và được làm Bí thư chi bộ đầu tiên ở Gia Lai.

Những lời tri ân

Từ một cậu bé ở đợ làm thuê, mang trong mình dòng máu của vùng đất nghèo mà linh kiệt, Nguyễn Đường đã tự học tập, tự rèn luyện vươn lên và đến với cách mạng. Từ năm 1946, ông tham gia quân đội, được cử làm Trưởng đoàn đàm phán Việt-Pháp thi hành Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 ở Bồ Kèo (Campuchia). Sau đó, ông được bổ nhiệm nhiều chức vụ khác nhau. Năm 1990, ông nghỉ hưu với quân hàm Trung tướng.

Ông Nguyễn Khoa-cán bộ lão thành cách mạng hoạt động cùng thời năm 1945-1946, nhận xét: “Ngày ấy, hoạt động trong Đoàn Thanh niên Gia Lai và là Bí thư chi bộ đầu tiên, là Tỉnh ủy viên, đồng chí Nguyễn Đường là người trung thực, luôn đi đầu phong trào, là người có uy tín số một…”.

Còn Trung tướng Nguyễn Đôn thì cho rằng: “Đồng chí là một điển hình của người cán bộ đảng viên liêm khiết”. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước thì dành cho ông lời nhận xét: “Người cán bộ “tay hòm chìa khóa” mẫu mực của quân đội”. Đối với Đại tá Nguyễn Trung Lạp, ông là: “Người hoạch định chiến lược cho những thành công của ngành tài chính quân đội trong những năm chống Mỹ, cứu nước”…
Quốc Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét