Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018


                 Hồi ức của những thầy giáo đi B
                                                                                         Quốc Ninh

“Anh hỏi tôi về ngày lên đường vào Nam ấy à. Lâu rồi mà… À tôi có câu thơ này, đọc anh nghe nhé: “Nghe theo tiếng gọi non sông/ba ngàn giáo giới điệp trùng vào Nam/Cùng bạn tại chỗ chống càn/Mở trường gieo chữ nguy nan chẳng sờn”…Ấy là câu chuyện giữa tôi và thầy Phạm Văn Nguyên, cựu giáo chức, một trong những thầy giáo miền Bắc “đi B” chi viện “con chữ” cho miền Nam nói chung, Gia Lai nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nhắc chuyện dạy và học ngày trước giải phóng ở khu căn cứ Krong-thị trấn Dân chủ (huyện Kbang hiện nay) của tỉnh ủy Gia Lai, thầy Phạm Văn Nguyên nhớ lại: “Đoàn chúng tôi lên đường đi B vào ngày 23-4-1972, hành quân bộ trên đường rừng Tây Trường Sơn, ngày đi đêm nghỉ, sau 3 tháng ròng chúng tôi có mặt tại nơi đóng quân cả Bộ Tư lệnh Quân khu V. Tiếp đó, tôi cùng các anh Nguyễn Văn Mộc (quê Hà Nam); Đặng Hồng Phàn (quê Nam Định) và Trần Quang Nhật (quê Hà Nam, đã mất) được phân về tỉnh Gia Lai, công tác tại Ban giáo dục tỉnh, cá nhân tôi từ nhân viên sau đó được giao làm Phó trưởng ban Bổ túc văn hóa của tỉnh cho đến trước ngày giải phóng”. Qua hồi ức của thầy Nguyên và các cựu giáo chức kháng chiến thì, ngày ấy, ở khu căn cứ đã có các trường để đào tạo cán bộ cho tỉnh như: Trường Bổ túc văn hóa cán bộ thành lập năm 1965, là một bộ phận của trường Chính trị tỉnh bấy giờ do đồng chí Bluk phụ trách đứng chân ở Khu 2 (xã Lơ Ku, Kbang), trường Bổ túc văn hóa ở Khu 7 (năm 1968), ở một số huyện còn có các lớp Bổ túc văn hóa để dạy chữ cho cán bộ xã, và các cháu thiếu niên; trường Sư phạm được thành lập năm 1969, đóng tại khu 2 (tại xã Sơ Pai, Kbang) người phụ trách đầu tiên là đồng chí Lê Chấn; Trường Nội trú tỉnh thành lập năm 1970 (tại Khu 2- xã Lơ Ku bây giờ) và đến tháng 10-1973 thì trường Phổ thông đầu tiên ở thị trấn Dân Chủ được thành lập…
Chuyện dạy và học ngày ấy cũng thật…kháng chiến. Ví như, trường Bổ túc văn hóa cán bộ ở Khu 7- huyện Kông Chro bây giờ, khóa học đầu tiên học viên bao gồm cả người Kinh, Banah, Jrai và cả học viên từ Tỉnh ủy Phú Yên, Khánh Hòa gửi lên học. Lớp học còn có các cháu là con em cán bộ tại chỗ cũng được chiêu sinh, khóa học đầu tiên của trường được trên 70 học viên. Giáo trình, giáo án cũng có nhưng thiếu thốn nhiều. Còn trường Phổ thông đầu tiên ở thị trấn Dân Chủ, ban đầu chỉ có 2 thầy giáo, với 5 bộ giáo trình mà đã đặt nền móng cho sự nghiệp giáo dục phổ thông Giải phóng trong cuộc kháng chiến vệ quốc ở Gia Lai. Ngày ấy, vừa học, vừa làm, vừa tăng gia sản xuất tự túc cho đời sống của cả thầy và trò. Vậy mà, nhờ các lớp học ngày ấy đã nâng cao văn hóa, dân trí cho đội ngũ cán bộ và nhân dân vùng giải phóng của ta. Là cái nôi đã nuôi dưỡng bao thế hệ cán bộ chủ chốt từ trong kháng chiến và cả đến hôm nay.
Chuyện kể của các thầy giáo kháng chiến lúc vui, khi chùng xuống về những kỷ niệm thuở nào, về những thầy giáo vừa dạy học vừa phải cõng gùi, mang súng như bao chiến sĩ tiền phương đầy nguy hiểm và bất trắc trong chiến tranh. Các thầy giáo ngày ấy, không chỉ dạy học, mà còn là cán bộ dân vận,  thâm nhập vào dân tuyên truyền vận động bà con cho con em đi học và cung cấp lương thực thực phẩm cho cách mạng. Ngày ấy, gian lao, sống chết bất thường mà tình người đầy ắp…Là những kỷ niệm không thể nào quên khi đi cõng lương thực, thực phẩm ở Kon Pne, khi đồng đội sốt rét ác tính, những thầy giáo như ông Nguyên có thể chạy bộ xuyên rừng, xuyên đêm để đưa cán bộ y tế đến cứu chữa; là những lần đi gùi nhu yếu phẩm ở đồng bằng, gặp địch phục kích, lạc rừng vẫn bám trường bám địa bàn.
Giờ đây, ngồi ôn lại chuyện xưa, các cựu giáo chức thời kháng chiến người còn, người mất. Với riêng nhà giáo Phạm Văn Nguyên, đã có một gia đình giáo chức có các thế hệ nối tiếp cha ông, viên mãn. Nhìn vào những Bằng khen, và những giải thưởng lớn về thơ ông viết về Trường Sa, về khí tiết người Việt, tôi cảm phục không chỉ tính mô phạm trong ông, mà còn ở tính kiên trung, ân nghĩa của người thầy giáo trong kháng chiến, từ chính câu chuyện trước lúc ông khoác ba lô đi dạy học ở chiến trường: “Biết sâu sắc hoàn cảnh của tôi đi B có mẹ già và 4 con nhỏ, ngoài chính sách chung, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Xuân Trường (Nam Định) nơi tôi lên đường đi chiến trường đã cấp cho mẹ tôi một cỗ áo quan (thời trước, các cụ già miền Bắc thường quan niệm: sống cái nhà, già cái mồ-NV), phòng khi cho tuổi già lúc lâm chung mà người trai cả như tôi vắng nhà. Đây là ân nghĩa mà tôi ghi nhớ suốt đời”.
                                                                                       QN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét