Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

“ LỬA “ Ở MỘT GIA ĐÌNH CÁCH MẠNG


                      
Gia Lai được thành lập đến nay đã tròn 80 năm. 80 năm ấy có biết bao đổi thay, biết bao thế hệ , biết bao nhiêu con người đã góp công, góp sức, hy sinh cả tính mạng để có một Gia Lai như hôm nay…Trong nhiều gia đình cách mạng, muôn vàn người con của mảnh đất Gia Lai anh hùng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, tôi muốn kể đôi điều về gia đình ông Nguyễn Khoa. Một gia đình cách mạng.
Một buổi chiều tháng 5 tôi đến thăm ông bà Nguyễn Khoa và Quách Thị Hường theo lời hẹn. Ồng Nguyễn Khoa  là một trong 6 vị được tôn vinh là cán bộ lão thành cách mạng ở Gia Lai và nay cũng là người duy nhất còn sống ( sau khi ông Trương Trợ, người bạn, người đồng chí từ thời lập Hội Cứu tế đỏ ở Bàu Cạn, vừa mất ở Hà Nội hôm đầu tháng 5 -2012). Còn bà Quách Thị Hường vợ ông, vừa là đồng chí cùng hoạt động bí mật, là cán bộ tiền khởi nghĩa. Trong căn hộ nhỏ mà ấm cúng, tiếp chuyện tôi ông gọi tôi là đồng chí, bởi cái chất cách mạng đã thấm sâu trong ông. Các cụ tiền bối cách mạng là thế - vẫn tràn đầy nghị lực, nhiệt huyết. Dù tay run run khi cầm tấm ảnh chụp chung với ông Trương Quang Được (con trai ông Trương Trợ), nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội một lần đến thăm ông ở Pleiku đưa tôi xem, nhưng mắt ông vẫn sáng và lời kể thì vẫn rõ ràng, khúc triết. 
 Ông Nguyễn Khoa và bà Quách Thị Hường ở căn hộ chung cư do tỉnh Gia Lai cấp
 
Nguyễn Khoa ( tức Nguyễn Khắc) sinh năm 1919 tại đồn điền chè Bàu Cạn (KATECKA), cha  ông - Nguyễn Thêm một người quê gốc Bình Định  từng học Quốc học Qui Nhơn, phiêu bạt lên Tây Nguyên làm phu đồn điền, do có chút chữ nghĩa, ông Nguyễn Thêm được chủ đồn điền Bàu Cạn là Chisnel tuyển làm kế toán. Nhờ vậy ông Nguyễn Khoa cũng được cơ hội học đến tốt nghiệp tiểu học. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 13 tuổi( năm 1930). Năm 17 tuổi ( năm 1938) tham gia cuộc đình công đòi chủ giảm giờ làm, chống đánh đập công nhân. Rồi được giác ngộ tham gia và thành lập Hội ái hữu, Hội cứu tế công nhân… Bị Pháp bắt năm 1940, bị tù đày. Ra tù năm 1944, tham gia giành chính quyền năm 1945 ở Pleiku, chính thức vào Đảng năm 1947… Còn bà Quách Thị Hường sinh năm 1926, ở Bình Định. 8 tuổi đã theo cha mẹ phiêu bạt làm phu, mẹ bà phu hái chè, còn bà khi ấy mới 10 tuổi đã là phu bắt dế ( các loại dế cắn chè). Lớn lên bà xây dựng gia đình với ông Khoa. Những năm tháng ông Khoa bị bắt giam giữ ở nhà lao Pleiku, bà là là chỗ dựa tinh thần của ông. Bà tham gia phong trào Phụ nữ ở đồn điền, năm 1944 bà Hường là Bí thư hội phụ nữ Bàu Cạn. Sau cách mạng tháng Tám 1945 bà là Uỷ viên BCH Hội Phụ nữ tỉnh. Rồi tham gia quân đội, làm ytá ở trung đoàn 120 suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp cho đến ngày tập kết ra Bắc…
Tôi một người hậu sinh, đã đôi lần được nghe ông, bà  kể về những năm tháng đầu đời được giác ngộ để rồi đi theo lý tưởng của Đảng đến trọn đời, không thể không khâm phục. Ông Khoa nhớ lại: Năm 1930, khi ấy ông mới 13 tuổi, có 2 người phu đến làm việc ở đồn điền Bàu Cạn, cả hai đều ăn cơm tháng do mẹ ông nấu. Hai người tên là Hà Thế Hạnh và Đinh Văn Nho đều là người gốc Huế. Họ vẫn thường đàm đạo với ba tôi. Rồi từ khi nào không biết tôi trở thành người đưa tin liên lạc giữa 2 ông. Sau này các ông bị mật thám Pháp bắt thì tôi mới biết ông Hạnh và ông Nho đều là đảng viên lên Tây Nguyên theo chủ trương “ vô sản hoá”của Đảng, thâm nhập và lãnh đạo phong trào công nhân ở các đồn điền ở Gia Lai. Họ là người vận động tổ chức thành lập Công hội đỏ đầu tiên ở Bàu Cạn. Vậy là, gia đình ông Khoa trở thành cơ sở gặp gỡ của các đảng viên cộng sản từ đây. Còn ông Khoa trở thành liên lạc viên cho các đảng viên cộng sản từ ngày ấy. Phong trào bị vỡ, nhưng năm 1934 lại có một đảng viên khác là Lê Đức Mỹ từ Bình Định lên Bàu Cạn làm thợ máy nhen nhóm lại phong trào. Ông Mỹ lại lấy gia đình ông làm nơi liên lạc, vẫn thường lui tới chuyện trò với ba con của ông. Ông được nghe ông giảng giải và  hiểu hơn về vì sao công nhân cần phải đấu tranh đòi quyền lợi cho mình. Năm 1938 ông Lê Đức Mỹ đã tổ chức cuộc đình công của công nhân hái chè tươi đòi giảm giờ làm từ 14 giờ xuống 10 giờ trong ngày, tăng lương khoán hái chè từ 1 xu/4kg lên 1 xu /2kg chè tươi. Công nhân nữ phân xưởng sấy chè đình công phản đối hành động ngược đãi đánh đập và làm nhục chị em. Công nhân xưởng cơ khí, thợ điện, thợ rèn bãi công đòi tăng lương. Ngày ấy, ông được giao nhiệm vụ cầm cờ đỏ búa liềm đứng đầu trong đoàn đình công: “ đó là kỷ niệm không bao giờ quên trong tôi” – ông Khoa tâm sự.
Trong câu chuyện giữa tôi và hai ông bà lúc vui, lúc buồn. Bà hỏi ông có còn nhớ năm ấy không, vì không bắt được ông Lê Đức Mỹ, bọn Pháp vây ráp bắt người vô cớ đánh đập dã man. Bọn chủ càng hung hãn, ra sức bóc lột đánh đập công nhân. Những cái tên gian ác như: “ xếp Huấn, xếp Cường, xếp Mạo” đánh công nhân đến chết nếu chống đối. Nhu yếu phẩm như gạo muối công nhân phải mua đắt của chúng, vì thế người công nhân đồn điền lúc nào cũng là con nợ của chủ. Có người nghèo đến:  Như cả hai mẹ con nhà bà Đoạt công nhân hái chè, là phụ nữ mà chỉ có một cái quần vải, đi làm phải lấy vải bạt rách quấn quanh thân. Bà Hường góp thêm chuyện. Cũng trong năm đó ( 1939), có 2 đảng viên khác từ Sài Gòn và Huế  lên Bàu Cạn gầy dựng lại phong trào. Đó là Trần Ren làm lái xe cho ông chủ và Phan Thị Út ( tức Thuỷ Tú) làm công nhân hái chè. Chính họ là những người tiếp tục phát triển các tổ chức  trong công nhân đồn điền. Sau một thời gian, đã kết nạp được một số đảng viên mới. Ông Khoa nhớ lại: “ Thật ra cho đến lúc đó, chúng tôi chưa hiểu mấy về chủ nghĩa cộng sản, nhưng được anh Trần Ren và chị Út giảng giải chúng tôi đã sẵn sàng đi theo.  Phong trào dần dần phát triển. Các tổ chúc như Hội Cứu tế đỏ, rồi Hội Cứu tế công nhân , hội đua xe, bóng đá...ra đời hoạt động công khai thu hút được nhiều người tham gia. Hội gồm: Trần Ren là hội trưởng, chị Út  Hội phó, Lâm Như Phong, Nguyễn Khoa, Phan Bình, Nguyễn Bân là hội viên. Thời gian đó, dưới sự lãnh đạo của Hội Cứu tế đã có 30 cuộc đấu tranh ở đồn điền nổ ra đòi tăng lương giảm giờ làm, chống đánh đập. Khí thế cách mạng càng sôi nổi và đi vào chiều sâu.  “Cuối năm 1940, đồng chí Phan Thủy Tú được giao nhiệm vụ chuẩn bị đi Quy Nhơn (Bình Định) bắt liên lạc với tổ chức Đảng, báo cáo tình hình, xin chỉ thị công tác, thì bị mật thám Pleiku bắt giải về nguyên quán ở Thừa Thiên - Huế, kết án 5 năm tù, giam tại nhà lao Thừa Phủ. Các đồng chí Trần Ren, Lâm Thị Nở bị bắt giam ở nhà lao Pleiku. Các anh hội viên Cứu tế đỏ Nguyễn Đắc (Khoa), Nguyễn Bân, Phan Bình, Lâm Duy Phong cũng bị bắt được thả ra năm 1944, trở về các đồn điền tiếp tục hoạt động” (Lịch sử Đảng bộ Gia Lai đã ghi nhận.)
...Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi, rồi kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, ông tham gia và giữ nhiều chức vụ như: Chủ tịch Uỷ ban ủng hộ kháng chiến, uỷ viên Mặt trận Việt Minh, Trưởng ban tản cư. Tập kết ra Bắc, tiếp tục kháng chiến chống Mỹ, ông lại xông pha ở các chiến trường Lào, bị trọng thương ở mặt trận Quảng Trị. Chuyển ngành đi học, trở thành cán bộ chủ chốt của Khu gang thép Thái Nguyên...Ngẫm lại một đời người của ông bà dằng dẳng đã non thế kỷ, có biết bao nhiêu những mốc thăng trầm của cuộc đời.  
Bây giờ ngồi viết bài này, tôi nhớ rất rõ ánh mắt của ông bà lúc kể chuyện khi vui, khi ngấn lệ, lúc trào dâng tự hào theo chiều dài câu chuyện đời người. Khiến tôi liên tưởng đến tình cảm của ông bà như đang nhớ hình ảnh hiện về của những đồng đội, đồng chí của Hội cứu tế đỏ ngày nào giờ đây đều đã về cõi vĩnh hằng; thương đứa con chết ngày chạy giặc. Và vẫn cánh cánh nỗi niềm sinh nuôi người con trai đầu dù mới 2 tuổi đã phải gửi cho bộ đội trung đoàn 120 nuôi dưỡng, để 2 ông bà đi hoạt động, để rồi cả chục năm sau mới có ngày đoàn tụ.  Trong tôi cũng mường tượng đến hình ảnh của ông, bà  vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đã  tự tay đốt nhà mình nhẹ tựa lông hồng khi thực hiện tiêu thổ kháng chiến năm 1946.Nhưng trên hết tôi cảm nhận được rất rõ ở ông, ở gia đình cách mạng này vẫn là tính lạc quan, tin vào lý tưởng và phấn đấu cho lý tưởng của mình đã chọn. Năm 2012, dù ông đã ở tuổi 94, bà ở tuổi 86, nhưng muốn gặp ông để trò chuyện cũng phải điện thoại trước, bởi vì ông, một con người mẫn cán luôn bận việc, khi thì việc tư, khi thì phải tham gia hội thảo viết lịch sử địa phương, hay đi giao lưu nói chuyện truyền thống cho thanh thiếu niên. Hoặc là chuyện “thường ngày” vẫn làm người “ vác tù và” lo chuyện an toàn cháy nổ, chuyện điện nước; chuyện hoà giải láng giềng …ở khu chung cư Lê Lợi.
Chuyện trò với cả ông và bà tôi hiểu răng ở gia đình cách mạng này luôn có “ lửa” ở bên trong.

                                                                                         QN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét