Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Có một làng “ nước ngoài ” tại xã Tân Ninh.

                                                     Lê Hải

Năm 1987, tôi cưới vợ. Vợ tôi quê Nam Bộ chính tông. Từ bé, cô ấy sống cùng gia đình trong căn cứ rừng U Minh, cụ thể là Kinh Tư, huyện An Biên, Kiên Giang nên vẫn thường nói “ con cá gô bỏ gổ nó nhảy gồ gồ”. Nghe đã lạ, nhưng chưa thấm gì với cái lạ quê tôi.
Cưới vợ được 2 tháng, tôi xin phép Ba, Mẹ vợ được đưa cô ấy về thăm quê chồng. Trước đó, trong quá trình yêu nhau, tôi đã cho cô ấy biết quê tôi là làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá -  một vùng quê cổ dưới chân dãy núi Ngàn Nưa. Trước khi về quê, tôi “ trân trọng” thông báo rằng: “ Em về quê, buổi đầu chắc nàng dâu không thể hiểu mẹ chồng nói gì  đâu”. Vợ tôi không tin, bảo: “Cứ nói chuyện dễ thương như anh, em nghe được hết”. Nghe thế tôi chỉ cười.
Ngay buổi tối đầu tiên về thăm quê chồng, hầu như bà con  trong xóm đều đến chúc mừng – tình cảm quê hương là thế, vợ tôi đã “ choáng” khi nghe bà con nói chuyện với nhau. Biết chắc vợ tôi không thể hiểu được tiếng địa phương nên tôi làm phiên dịch: Dịch những câu  trò chuyện giữa bà con với vợ tôi và tất cả những lời bà con nói chuyện với nhau. Cô ấy ghé tai tôi hỏi nhỏ: “Gốc quê anh là người nước ngoài à”? Tôi cười trả lời: “ Không phải quê anh gốc nước ngoài mà nước ngoài gốc quê anh”. Cô ấy lụi vào sườn tôi một cái: “ Xạo” !
alt
Một góc Chợ Nưa- Tân Ninh

 
Cứ nhìn vợ tôi “ nghệt” mặt khi nghe bà con nói chuyện, tôi cười thầm, bụng nghĩ: Chắc vợ tôi chưa biết câu chuyện “ tiếu lâm” rằng: Dân tộc Nhật Bản là có gốc gác từ tỉnh Nghệ An. Câu chuyện như sau: Có một học giả Nhật Bản cho rằng Nhật Bản là một Quốc đảo, mà theo thuyết tiến hoá của Đác – uyn thì không thể tự phát sinh loài người. Chắc chắn, dân Nhật Bản do một nhóm người từ lục địa di cư ra. Vì vậy, ông giành những năm cuối đời để đi tìm nguồn cội của mình. Ông biết, người Nhật Bản cũng là chủng tộc Châu Á, nên để hết tâm sức đi tìm hiểu trong các nước thuộc Châu Á mà thôi. Nhưng thật  thất vọng, dù bỏ bao công sức từ Đông Bắc Á, Trung Á, Trung Cận Đông, Nam Á đến nhiều nước biển đảo thuộc Đông Nam Á, ông vẫn không xác định được. Mệt mỏi và chán nản, ông về TP. Hồ Chí Minh ( Việt Nam) thăm người bạn đang có công ty đầu  tư tại đây trước khi đáp xe lửa ra Hà Nội để bay về Nhật Bản. Khi chuyến tàu vượt qua thành phố Vinh và dừng lại ở một ga nhỏ, trong lúc đang ngủ mơ màng, ông nghe hai người phụ nữ nói chuyện với nhau. Một bà hỏi: “ Ga ni ga chi”? Bà kia trả lời: “ Ga ni ga Si” . “ À ! Ra ga ni ga ta mà”. Chỉ kịp nghe đến thế, ông học giả Nhật Bản vùng ngay dậy  và cũng giống như Ác – si – mét, ông thét lên rằng : Ê – rơ – ka. Nguồn cội của mình đây rồi. Nguồn gốc dân tộc Nhật Bản là ở địa phương này rồi.
alt
Một góc làng Đinh - Tân Ninh
 Nghĩ về câu chuyện này, tôi lại cứ băn khoăn, với thổ ngữ như quê  tôi, biết đâu người nước Anh bây giờ lại chẳng có nguồn gốc từ làng Cổ Định dưới chân dãy ngàn Nưa này ? Chính ngay tối đầu tiên ấy, khi mọi người đang nói chuyện vui vẻ thì có bà O ( bà Cô) ngoài 80 tuổi chống gậy đến. Mới bước vào nhà bà đã hỏi: Nhà chậy ni răng ầm ầm rứa? Không biết bà có nghe rõ câu trả lời của mẹ tôi không mà lúc đang uống nước, ăn trầu thấy vợ  tôi cúi đầu chào, bà hấp háy đôi mắt nhìn rồi hỏi: “ O ni ru ai ? Ở lổ mô” ? Tôi phải ghé sát tai nói lớn để bà biết cô ấy là vợ cháu mới từ trong Nam về thăm gia đình. Bà cười phô cả hai hàm không còn chiếc  răng nào: “ Người chằn rặn rứa, mắn lắm. Cố mầng nha” !
          Quê tôi là thế, tiếng nói ( thổ ngữ) lạ lắm, trừ tiếng các dân tộc anh em ở Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên… thì tiếng nói quê tôi chẳng giống bất cứ nơi nào. Đi “mô” đi “tê”; “răng” lại “rứa. Đó là chuyện nhỏ. Tiếng ấy từ Thanh Hoá vào tới Quảng Nam ai mà không biết.
          “ Bửng tưng sau” ( sáng mờ mờ ngày hôm sau) , khi còn đang ngủ, vợ tôi khều thức dậy. Nghe có tiếng nói to bên hàng xóm. Bà mẹ quát: “ Giẩư tru đếch xoong, bốc chi đớp ? Chiều về, bà lại quát con: "Kêu mi vô rú, răng tru viền đướn ăn lọ” ?. Tiếng thằng con: “ Ai hay chi mô. Tru mềnh hướn, lè lản liếm tru cấy, lồng chặn bứt đứt chạc. Con chặn theo rạc cẳng, bổ ở ruộng cằn, rọt lộn lên cần cổ, trớt hết bộng, bể cả trốc cún. Chưầ chậy bới cấy chi…..”. Có lẽ bà mẹ đã hiểu nỗi khó khăn của thằng con trai nên giọng nói nhỏ nhẹ hơn: “ Hoọc không hoọc, giâử tru không xoong, ăn cho tốn cấu…
          Lần đầu tiên về thăm quê chồng, trong thời gian chỉ nửa tháng, vợ tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngạc nhiên nhất là cô ấy khẳng định số từ vựng thổ ngữ quê tôi lại phong phú và phức tạp hơn nhiều so với các tỉnh từ Thanh Hoá vào tới Quảng Nam. Đó cũng chính là khó khăn nhất khi vợ tôi giao tiếp với  bà con. Nếu không có tôi bên cạnh làm phiên dịch, cô ấy không thể nào hiểu bà con nói chuyện gì. Ai hay, nhờ đó mà tôi lại được tiếng khen của bà con trong xóm , ngoài làng là vợ chồng thằng Hải thương nhau, đi đâu cũng như sam có đôi. Trước khi  trở vào miền Nam, tôi hỏi riêng: “ Em ghi nhớ và hiểu được bao nhiêu phần trăm tiếng quê anh rồi” ? Cô ấy nhìn tôi rồi cười bẽn lẽn: “ Đến giờ em hổng hiểu tiếng quê anh nói gì ráo trọi…Nhưng anh bảo người nước Anh bây giờ  gốc gác là từ quê anh thì em hổng tin”. Tôi chỉ cười. Biết đâu đấy…?       
          Chính vì thế mà hiện nay tôi đang gấp rút biên soạn một cuốn sách tạm gọi là Từ điển tiếng làng Cổ Định và tiếng phổ thông, cũng tương tự như Từ điển Hán – Việt hoặc Từ điển Anh – Việt vậy. Đỉnh Am Tiên trong dãy ngàn Nưa quê tôi  đã được nâng cấp và công nhận là một trong những Trung tâm du lịch tâm linh của quốc gia. Khách thập phương đến thăm viếng và dự lễ hội Đền Nưa, Nghè Giáp vào dịp rằm tháng Giêng hàng năm ngày càng đông. Biết đâu, quyển “Từ điển” của tôi cũng có thể kiếm được bộn tiền ! Ai có nhu cầu, xin liên hệ với tác giả và đăng ký ngay từ bây giờ, nếu mua cho tập thể sẽ được xem xét giảm giá./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét