Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Ngàn Nưa trầm tích và...đương đại

Lão tước hà  tri – Lê Đình Ngữ
                        LÊ HẢI
 Ở làng Cổ Định nhiều người đến nay, nhất là các bậc túc nho vẫn còn  nhớ  đến hai câu thơ nổi tiếng do một người con làng Cổ Định viết trong tờ biểu dâng lên vua Khải Định ( triều Nguyễn) xin được từ quan, trí sĩ về quê vui thú tuổi già :
Lão tước hà tri thiên nhật hữu
Kim long năng thức nguyệt quang tàn

Tạm dịch:

Rồng vàng hiểu được cho chăng
Chim già ngày tận ánh trăng gần tàn…

Chỉ hai câu thơ trên đủ nói lên lòng ông. Nay thần đã lớn tuổi cũng giống con chim già đâu biết có được như ngày hôm nay, nhưng tin rằng đức vua hiểu rõ thần cũng tựa ánh trăng gần tàn,  khó có thể gánh vác những trọng trách lớn lao mà triều đình giao phó. Chính thế mà vua Khải Định cũng không cố nài ép ông ra làm quan nữa.

 
          Tác giả của hai câu thơ ấy chính là Hàn Lâm học sĩ Lê Đình Ngữ, người xóm Ất, tự Đình Ngô ( ở quê quen gọi là Cụ Hàn). Ông là con trai thứ hai của cụ Lê Đình Đàm và bà Lê Thị Học. Ông là hậu duệ đời thứ 18 của Tể tướng – Luật quốc công Lê Thân thời vua Trần Dụ Tông. Ngay từ thời thơ ấu, ông là người khôi ngô, đĩnh ngộ, tư chất thông minh. Bên cạnh đó, nhờ nếp nhà nho sỹ, ông chuyên cần “ sôi kinh nấu sử”, tầm sư học đạo Thánh hiền. Nhờ thế, ông đứng đầu trong cuộc khảo thí học trò toàn xứ Thanh Hoá  trước khi đi thi Hương. Trong lần thi Hương ân khoa đầu tiên ông đã đậu Cử nhân. Dù đậu Cử nhân, trong lúc nhiều bạn học đi nhậm chức Tri phủ, Tri huyện, nhưng riêng ông Lê Đình Ngữ không có ý định ra làm quan, cũng không muốn tham gia thi Hội, chỉ ở nhà vui thú điền viên và mở trường dạy học. Nhưng  tiếng tăm “ văn hay chữ tốt” của ông vang dội  đến tận triều đình. Khi triều đình cử quan khâm sai mang tờ Dụ về tận quê mời vào cung thì ông không thể chối từ. Tại triều đình ông vừa làm quan vừa được giao trọng  trách là thầy dạy của hoàng tử Bửu Đảo, con trai cả của vua Đồng Khánh.


Khi hoàng tử Bửu Đảo được người Pháp phò trợ đăng quang lên ngôi hoàng đế tức là vua Khải Định, cũng là lúc ông dâng biểu từ quan. Nhớ công ơn thầy dạy, vua Khải Định nhiều lần khuyên ông ở lại tiếp tục giúp vua việc trị quốc, đồng thời muốn phong tặng chức vụ cao hơn. Nhưng lòng kẻ sĩ đã quyết, chỉ muốn được vui thú điền viên. Con cháu nhiều người không hiểu ý ông có kẻ  tiếc nuối, hỏi: “Sao không tiếp tục làm quan để được phú quý vinh hoa”? Ông cười, rồi ngâm hai câu thơ:

Sư bái đệ tuyệt luân chung đỉnh
Đệ tôn sư duy tiết thanh cao

Tạm dịch:

Thầy bái trò luân thường tuyệt đỉnh
Trò bái thầy do tiết thanh cao.

Mượn cớ tuổi già sức yếu “  ánh trăng gần tàn” để chối từ tiếp tục làm quan, nhưng nghĩa ý sâu xa trong hai câu thơ trên đủ nói lên suy nghĩ của ông. Chính ông không muốn vua phải khó xử khi thầy dạy phải quỳ trước mặt mình và ông cũng không muốn làm kẻ hàng ngày phải quỳ lạy trước học trò của mình dù  học  trò ấy bây giờ đã trên ngôi hoàng đế. Tiết tháo thanh cao của các bậc nho sỹ từ xưa đến nay ắt hẳn cũng như thế cả, đáng để người đời suy ngẫm. Mặt khác, bản thân ông cũng đã chán ngán cảnh vào luồn ra cúi của đời quan trường, trong khi người Pháp can thiệp quá sâu vào việc chính  sự nước nhà. Thời ấy, ở quê nhà nhiều bạn học của ông đã tham gia và hoạt động tích cực trong các phong trào cách mạng như Đông Du của Phan Bội Châu; phong trào chống thuế  ở Trung kỳ do Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng phát động…
Về lại quê hương, ông đã chủ xướng và tích cực tham gia ngay vào các hoạt động như cùng bạn học Cử nhân Lê Trọng Nhị ( Cử nhân Lê Trọng Nhị, đậu khoa thi Hương 1903, bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo từ năm 1908 vì là thành phần “cốt cán” của Thanh Hoá trong phong trào chống thuế do cụ Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng, được thả năm 1917) mở trại khai hoang, lập trường tiểu học kiểu Đông Kinh Nghĩa Thục, đọc các loại sách báo mới; tuyên truyền cho học trò những tư tưởng duy tân của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi ( hai nhà cải cách lớn của Trung Quốc thời bấy giờ). Ngoài ra ông còn tích cực vận động các vị chức sắc, các bô  lão trong làng xây dựng đời sống tinh thần của nhân dân, sắp xếp làng xóm trật tự hơn, ăn ở vệ sinh, hoà giải các vụ mâu thuẫn xích mích giữa xóm này với xóm kia... Là người hay chữ, hầu như ngày nào cũng có khách đến đàm đạo văn chương và thời cuộc hoặc xin ông  câu đối, văn tế, văn tự cầu đảo. Những trường hợp như thế ông không bao giờ từ chối.
Trong cuộc đời của mình ông Lê Đình Ngữ đã để lại nhiều áng văn chương đặc sắc. Đặc biệt là cuốn: “Chú giải và bình luận về truyện Phạm Công -  Cúc Hoa và Phạm Tải – Ngọc Hoa”  bằng chữ Nôm. Khi còn là cậu bé học cấp I, chính tôi và bố tôi được bà Bác ( vợ Cụ Hàn) đọc và giải thích cho nghe quyển sách này. Chỉ tiếc, vào những năm 60 thế kỷ XX, lo ngại trước phong trào bài xích phong kiến quá cực đoan của địa phương nên con cháu trong gia đình đã mang tất cả sách vở, trước tác của ông đốt bỏ hết. Đây là một thiệt thòi lớn đối với hậu thế ! Ngày nay chỉ còn sót lại vài câu đối ông viết tặng. Ví dụ như câu đối treo ở đình làng Trì:


Hầu tộc phong tư danh ngũ giáp thập thôn kim cổ
Bá gia cảnh vật thắng Na Sơn Lãng thuỷ cao thanh.


Dịch nghĩa:

Phong tư trăm họ, tiếng năm Giáp, mười Thôn còn mãi
Cảnh vật muôn nhà, danh thắng Nưa, Lãng thuỷ cao thanh

          Hoặc câu đối ở  Đền Nưa:

                   Na Sơn từ lĩnh trấn Na Sơn thần duy đức kỳ thịnh
                   Cổ Định xã nguyên tòng Cổ Định dân trực đạo nhi hành.

          Dịch nghĩa:

                   Đền núi Nưa trấn lĩnh ngàn Nưa, thần vì đức nên ngày càng thịnh
                   Xã Cổ Định gốc là Cổ Định, dân ta theo đường thẳng mà đi

Con đường quan trường của ông Lê Đình Ngữ đang ngày một hanh thông thì ông lại xin trí sĩ. Với nhiều người đó là một bước tiến đến “ vinh thân phì gia” nhưng với ông vui thú điền viên mới là mục đích cao cả nhất. Bằng kiến thức của mình ông đã góp một phần công sức vào xây dựng quê hương. Thời ấy, không phải ai cũng nghĩ và làm được như vậy. Tâm niệm lớn nhất mà sinh thời ông thường nhắc nhở con cháu trong dòng họ Lê Đình: “ Tri thức thị lương điền – Tri thức mới là mảnh đất tốt nhất. Ông đã không làm hổ danh một dòng họ khoa bảng của làng Cổ Định.
Với tài năng đức độ của bậc nho sỹ và những công đức đóng góp cho quê hương nên khi ông mất hầu hết dân làng đều đưa tiễn ông tới nơi an nghỉ cuối cùng. Cử nhân Lê Trọng Nhị - người một thời gắn bó với ông trong các phong trào cách mạng và công việc làng xã đã khóc bạn bằng đôi câu đối:

Mãn địa văn chương tự thuỷ thuỳ nhân khai triệt ý
Toàn khu đạo học kim thời hà vị đắc nhân tâm.

Dịch nghĩa:

Hết bạn văn chương, ai kẻ bấy lâu còn hiểu ý
Đạo học cả vùng, mấy người thời nay được dân yêu.


                                                                     L.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét