Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Bàng bạc sông Lường

               LÊ HẢI
 “ Quê hương ai cũng có một dòng sông…”, nhạc sĩ Hoàng  Hiệp đã viết như thế trong bài hát TRỞ VỀ DÒNG SÔNG TUỔI THƠ, ghi dấu ngày trở lại thăm dòng sông quê nhà sau hơn 20 năm tập kết ra miền Bắc. Trong bài hát còn có những ca từ mà bất kỳ người nào xa quê hương khi nghe lòng chẳng bồi hồi xao xuyến.
Quê hương Cổ Định dưới chân dãy ngàn Nưa huyền thoại của tôi cũng có một dòng sông. Đó là dòng Lãng Giang mà người dân quê tôi quen gọi là sông Lường. Năm Mậu Tuất – 1598, Cụ Lê Bật Tứ,  một trong những người con ưu tú của làng Cổ Định sau khi thi đỗ Hoàng Giáp vinh quy  bái tổ đã tặng làng câu đối:
  Na Sơn danh bất hư truyền khai thác vạn niên vị tận
  Lãng Giang nhiên nhiên tự tại lưu trường kim cổ vô thanh.
         
   Dịch nghĩa:

  Núi Nưa nổi tiếng trên đời khai thác ngàn năm chưa cạn
  Sông Lường xưa nay vẫn thế lững lờ dòng nước trôi xuôi.
alt
Sông Lường - Lãng Giang

 Vâng, con sông Lường quê tôi từ thời khai thiên lập địa đến nay vẫn thế, quanh năm một màu nước bàng bạc trôi xuôi. Sông bắt nguồn từ các dãy núi phía Tây huyện Triệu Sơn, chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam uốn khúc qua các cánh đồng hai mùa xanh lúa và những xóm thôn trù phú, mát mượt bóng tre của các xã Hợp Lý, qua Nhơm, Vân Sơn, Thái Hoà, Tân Ninh ( Triệu Sơn), Tân Khang, Tân Thọ, Cầu Quan…( Nông Cống) hoà vào sông Mực, xuôi qua Ghép rồi đổ vào biển Đông. Khi vừa chảy qua làng Hoà Yên, xã Thái Hoà để vào xóm Giáp, xã Tân Ninh, dòng sông Lường đã tạo một cánh cung mềm mại như vẫy chào ngôi chùa cổ Hoài Cảm Tự ( chùa Hoa Cải) rồi rì rào dâng tiếng sóng đón nhận vào  lòng hình bóng linh thiêng Nghè Giáp. Vẫn cái thế uốn lượn như rồng bay, sông lững lờ xuôi qua xóm Ất, xóm Bính, xóm Đinh, xóm Mậu và như lưu luyến chưa muốn dời xa mảnh đất này, sông chạy thẳng vào sát chân núi Nưa ngắm nhìn đỉnh Am Tiên lung linh huyền ảo rồi mới dùng dằng vòng trở lại thăm xóm Tuy Yên trước khi chia tay về Tân Thọ, Tân Khang.
Mặc dù, không oai hùng như Bạch Đằng Giang, chẳng mang nặng phù sa đắp bồi châu thổ tựa sông Hồng; là  “em út” của sông Chu, sông Mã nhưng  dòng sông Lường cũng như tất cả mọi dòng sông ở những miền quê khác vẫn chở trong mình nghĩa nặng yêu thương. Lòng yêu con sông quê hương chỉ những người con sinh ra, lớn lên, được sông tắm táp từ ngày thơ bé mới cảm nhận được hết tình sông đến dường nào.
Nhớ ngày ấy, khi tôi chỉ là đứa bé lần đầu tiên được mẹ dắt tay vào đình Thương để học lớp vỡ lòng. Một cậu bé 5 tuổi, hơn 50 năm sau, còn bùi ngùi xúc động khi nhớ về đôi mắt trẻ thơ lần đầu chứng kiến những cảnh đẹp quê hương. Mặt nước sông Lường in bóng đôi bờ những hàng tre, toả ánh huyền ảo lung linh của các công trình nghệ thuật tâm linh: Nghè Giáp, Đình Làng Trì, Đình Làng Đài… là mạch nguồn của vùng quê khoa bảng tạo dựng nên. Đã là người con của làng Cổ Định, dù sống ở phương trời nào vẫn không quên màu đỏ rực của hai cây gạo đứng sừng sững bên đôi bờ sông Lường trước cửa Đình Làng Đài vào dịp tháng Ba.

            …Ngàn Nưa mát mượt ánh trăng
            Mạch nguồn thơm thảo vĩnh hằng sâu xa
            Đầu làng cây gạo đỏ hoa
            Ngọn đèn dẫn lối người xa trở  về,
           Tấm lòng mộc mạc chân quê
           Góp lời rơm rạ thương về quê hương…

                                     LÊ HẢI
              ( Trích Trường ca DƯỚI BÓNG NGÀN NƯA)

Sông Lường, không chỉ là  cảnh đẹp của quê hương tôi, còn là một trong những mạch nguồn tạo nên vùng đất “ Địa linh nhận kiệt”. Với thế đất “ tiền Giang hậu Sơn”, phía trước làng là dòng sông Lường, phía sau làng tựa lưng vào dãy ngàn Nưa linh thiêng, nên nơi đây đã sản sinh ra các bậc túc nho, võ tướng là  danh thần, khai quốc các triều đại phong kiến ngày xưa, đóng góp vào sự tồn vong , ổn định và phát triển của dân tộc Đại Việt –Việt Nam. Con cháu Cổ Định ngày nay vẫn tri ân các bậc tiền hiền bằng tài năng, đức độ đã lưu danh trong sử sách nước nhà, để lại tiếng thơm cho dòng họ, quê hương, để lại tấm gương hiếu học, kiên trì vượt khó, đạo làm người. Điển hình là các ông : Lệnh thư gia  Doãn Anh Khải được vua Lý Thần Tông ( 1128 – 1138) cử làm chánh sứ sang bang giao với nhà Tống ( Trung quốc), ông Trung vệ đại phu Doãn Tử Tư thời Lý Anh Tông ( 1139 – 1175) sang sứ nước Tống mang về chiến công hiển hách cho đất nước; ông Lê Thân, làm quan trải bốn đời vua Trần, chức vụ Nhập nội hành khiển Khu mật viện Đô kỵ sự ( Tể tướng); ông Lê Quát ( con trai cụ Lê Thân) làm tới chức vụ Thượng thư hữu bật Nhập nội hành khiển ( Thừa tướng) một danh sĩ nổi tiếng thời trần; ông Doãn Băng Hiến, Thượng thư bộ hình, làm chánh sứ sang  tranh biện với nhà Nguyên ( Trung Quốc) về cương thổ; các ông Trụ quốc thượng tướng quân Doãn Nổ, Hiệu vệ uý xa kỵ Đại tướng quân Lê Lôi, là Lam Sơn khai quốc công thần ;ông Lê Đoan Khải, là Hổ tướng Tào Sơn Hầu cận thần của Phụ chính Nguyễn Kim thời Lê trung hưng; Hoàng giáp Lê Bật Tứ, từ cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ khi 8 tuổi bằng nghị lực tự thân vươn lên trở thành vị tể tướng nổi danh thời vua Lê chúa Trịnh… Tiếp nối hào khí tổ tiên, lớp lớp người con làng Cổ Định đã  ghi tên mình vào bảng vàng truyền thống của xã Tân Ninh: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ.
          Những con người ấy đã từng uống nước sông Lường, được nước sông Lường tắm mát từ thuở ấu thơ, được nuôi lớn bằng dòng sữa mẹ và hạt gạo thảo thơm từ các cánh đồng: Phúc Định, Nổ Lở, Cân Bầng ( Cây Bừng…)
 … Biết quê mẹ mùa đông vừa đến
Mẹ xuống cấy đồng sâu
Đôi tay tê buốt cả mây trời
Thương cây mạ mong manh
Từ thơ ấu  áo đơn
Dầm chân đứng trong bùn lạnh
Nhận về mình hết thảy tái tê
Trao ngon ngọt ấm nồng hạt gạo
Ngẫm phận mình
Kiếp nhân sinh
Quặn thắt
Tháng năm giông bão
Thương quê nghèo giật gấu vá vai
Củ sắn, củ khoai
Cây rau má già
Tháng Ba, ngày Tám
Ngằn ngặt tiếng khóc trẻ thơ
Giọt sữa mẹ vắt ra từ khó nhọc
Mặn chát cùng nước mắt mồ hôi
Có mùi bùn hăng từ cánh đồng quê mẹ…
                               LÊ HẢI
        ( Trích Trường ca DƯỚI BÓNG NGÀN NƯA)
Nhớ những đêm trăng khi đồng làng vào mùa gặt hái, sông Lường  lại chứng kiến nét sinh hoạt văn hoá thanh tao có từ xa xưa ở làng Cổ Định. Từng  tốp nam thanh, nữa tú trổ tài hò đối đáp giữa đôi bờ. Những giọng hò mộc mạc chân quê mang đậm dấu ấn vùng quê Cổ Định vẫn không kém phần thanh thoát cùng với ánh trăng bay cao, bay cao mãi tới tận đỉnh núi Am Tiên huyền ảo. Hôm nay, ngồi giữa Sài Gòn lòng rưng rưng nhớ về kỷ niệm tuổi thơ. Mùa mưa lũ, sông Lường dâng nước tràn bờ, mặt sông trải rộng hơn trăm mét, vẫn một màu bàng bạc chảy về xuôi. Đó là mùa lũ trẻ chúng tôi sáng đi học, chiều vào núi chăn trâu cắt cỏ, khi bầy trâu đã vào chuồng cũng là lúc lũ chúng tôi tha hồ vùng vẫy trên sóng nước sông Lường. Những hàng Duối xanh rì, những cây Vối, cây Bàng cổ thụ… là đà cành lá sà sát mặt sông là cầu nhảy của lũ trẻ cởi truồng chúng tôi cắm đầu ào xuống lòng sông như những đứa con thơ dại ùa vào lòng mẹ quê hương.

                …Tôi dang tay ôm nước vào lòng
                   Sông mở nước ôm tôi vào dạ…
                    (TẾ HANH – Nhớ con sông quê hương.)
Nỗi nhớ dòng sông quê hương vẫn bàng bạc trong tôi như màu nước sông Lường . Bốn mươi năm xa quê cũng là bốn mươi năm dòng sông ấy vẫn chảy dạt dào trong tâm thức:

        Con về ngồi với dòng sông
        Dòng sông quê mẹ chiều đông lặng buồn
        Con ngồi vớt bóng hoàng hôn
        Nghe tim thổn thức mạch hồn vía quê…
                            ( L.H  - Về sông mẹ).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét