Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Ngàn Nưa trầm tích và ...đương đại

Kể từ khi tôi lập blog này, tôi đã trình bày rằng tôi muốn góp một tiếng nói về  hình ảnh quê hương. Vừa qua, Lê Hải- bạn tôi cũng có chí nguyện như vậy. Chúng tôi ra mắt loạt bài viết về quê hương mình: Cổ Định – Tân Ninh, quê hương đầy trầm tích mến thương và đầy tự hào của chúng tôi. Xin trân trọng và mong được nhận tất cả những góp ý và những bài viết về Tân Ninh - Cổ Định, xin gửi về -QN.  
     Ngàn Nưa và
    Chuyện ông Tu Nưa đọ tài với ông Tu Vồm
                                                        Lê Hải
 Vào các thời đại: Lý, Trần, Lê  về phía Tây tổng Cổ Định, huyện Nông Cống (  nay là xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá), có một dãy núi chạy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, kéo dài trên 20 dặm, gọi là Ngàn Nưa, tên chữ là Na Sơn. Trong dãy núi ấy có đỉnh cao nhất  mà những buổi trời trong, từ đây có thể nhìn thấy biển đông, tương truyền đó là nơi từ thời  thượng cổ khi Cổ Định còn mang tên là  Chạ Kẻ Nứa ( thời Hùng Vương) đã có người lên đỉnh núi ấy để tu luyện thành tiên. Vì thế, người đời gọi là đỉnh Am Tiên. Người đầu tiên lập am tu Tiên là một người đàn ông có sức mạnh siêu phàm, có phép thuật vô biên, đến nay con dân Cổ Định vẫn trân trọng gọi ông là Tu Nưa.
alt
Đỉnh Am Tiên cao nhất và cũng là nơi linh thiêng nhất của Ngàn Nưa



Ông Tu Nưa không chỉ lo tu hành mà ông còn có lòng thương người dân khó nhọc nên thường xuống giúp dân nghèo khai phá rừng rậm, dọn dẹp đất đá, phá gò lấp ao để có đồng ruộng cho bà con trồng trọt. Khi đồng ruộng được san lấp bằng phẳng thì chỉ còn hai ngọn núi đá đứng lù lù giữa đồng. Ông Tu Nưa vào rừng lấy cây mây làm gióng, chặt một cây gỗ lim làm đòn gánh để quảy hai quả núi đi nơi khác. Ông dự tính đưa hai quả núi này đến dãy núi Hoàng Nghiên ( nay thuộc huyện Nông Cống). Mới đi được hai phần đường thì trời đã trưa, đói và khát nên ông Tu Nưa để núi xuống nghỉ. Sau khi ăn hết một thúng xôi nếp, uống hết một nồi nước ông định gánh núi đi tiếp. Nhưng lạ thay, dù ông vận dụng hết sức lực vẫn không nâng nổi hai ngọn núi. Hoá ra, trong thời gian ông nghỉ ăn cơm, hai ngọn núi đã mọc rễ vững chắc xuống đất. Ông nghĩ: “ Chắc là phẩm lộc trời ban đồng ruộng cho dân Chạ Kẻ Nứa đến đây mà thôi”. Để giúp dân làm ăn thuận lợi, ông bắt con voi một ngà trong Ngàn Nưa, dùng cây gỗ lim to làm cày, cày một đường dài từ Mau Đan Lồ ra tới sông Hoàng Giang để thoát nước khi có mưa lũ ( đến nay người dân Cổ Định gọi hai ngọn núi đó là núi Quảy hay núi Phẩm và đường cày của ông Tu Nưa là Mau Hón hay sông Cày).
Cũng thời gian ấy, ở làng Vồm ( nay thuộc huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá – vùng quê của di chỉ khảo cổ Núi Đọ) có một người đàn ông về tài nghệ, sức khoẻ chẳng thua gì ông Tu Nưa. Dân làng gọi ông là Tu Vồm. Nghe tiếng ông Tu Nưa do dân gian truyền tụng, ông Tu Vồm tìm đến Ngàn Nưa thách đấu.
Hai con người khổng lồ, tài nghệ phi phàm đánh nhau hết ngày này qua ngày khác, họ nhổ cây rừng, bốc đất đá làm vũ khí. Trận chiến khiến kinh thiên động địa, thần khóc quỷ sầu, bão tố nổi lên ầm ầm. Cuối cùng, do sút kém tài nghệ ông Tu Vồm thua, chạy dài về lại quê hương. Từ đó ông chỉ chí thú làm ăn, giúp đỡ người nghèo khó. Nhớ công ơn ấy sau khi ông mất dân làng đã lập đền thờ và đến nay đền thờ này vẫn còn  tại làng Vồm.
Do hai ông Tu Nưa  và Tu Vồm bốc đất đá đánh nhau nên bãi chiến trường xưa nay còn mang những cái tên do người đời sau đặt cho như: Cồn Lường, Cồn Đu, Cồn Sim, Cồn Bạc, Cồn Mồ, Cồn Chè… nằm trên các cánh đồng: Bãi Chon, Mùa Nàng, Phúc Định, Nổ Lở, Đồng Troòng.v.v…
Sau khi đánh thắng ông Tu Vồm, ông Tu Nưa lại trở về đỉnh Am Tiên tiếp tục tu luyện và thường xuyên giúp đỡ nhân dân Chạ Kẻ Nứa. Nơi đỉnh Am Tiên trở thành thắng cảnh thơ mộng, huyền ảo bậc nhất xứ Thanh Hoá với Giếng Tiên, Động Đào, Ao Hóp – quanh năm đầy nước trong vắt, tinh khiết, có bàn cờ Tiên nơi người tiều phu vào núi kiếm củi gặp hai ông già đánh cờ, đứng lại xem xong ván cờ khi trở về nhà thì đã trải qua mấy đời người rồi.
Cũng trong dãy Ngàn Nưa, năm 246, bà Triệu Thị Trinh đã dùng nơi đây làm căn cứ luyện tập binh mã để phất cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của giặc Ngô. Dân làng Cổ Định không ai lại không thuộc nằm lòng lời hát ru:” Con ơi con ngủ cho lành/ Mẹ còn gánh nước rửa bành cho voi/ Ai ơi  lên núi mà coi/ Coi bà Triệu Ẩu cỡi voi đánh cồng…” . Cuộc khởi nghĩa của bà Triệu trong hai năm 246 – 248 đã làm giặc ngoại xâm khiếp đảm, kinh hồn. Trong hàng ngũ giặc còn truyền nhau hai câu thơ:


Hoành qua đương hổ dị
Đối diện Vương Bà nan

Tạm dịch:


Múa giáo đánh hổ dễ
Khó giáp mặt Vương Bà.

Ngày nay, đỉnh Am Tiên đã, đang được quy hoạch xây dựng thành di tích du lịch tâm linh cấp quốc gia. Đất Cổ Định – Tân Ninh tự xa xưa đã mang trong mình bao huyền thoại, những câu chuyện cổ tích, truyền thống hào hùng, đẹp đẽ và nhân văn như thế.
Đây là một số hình ảnh về Đền Thánh Mẫu và Động Đào
                                                                       




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét