Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Ngàn Nưa trầm tích và ...đương đại

Núi Nưa – Tiên cảnh
                        LÊ HẢI
 Dãy Ngàn Nưa có tên chữ là Na Sơn kéo dài trên 20 dặm theo hướng Đông Bắc – Tây Nam.Trong các sách xưa đều chép: Núi nằm về phía Tây làng Cổ Định, huyện Nông Cống ( nay là xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá). Đỉnh cao nhất trong Ngàn Nưa, tương truyền từ thời khai thiên lập địa đã có người lập am tu Tiên nên mới có tên là đỉnh Am Tiên. Núi Nưa là một trong những danh thắng thơ mộng, kỳ ảo bậc nhất xứ Thanh. Các tao nhân mặc khách khi thăm viếng nơi đây đã có nhiều tuyệt tác thơ phú ca ngợi cảnh đẹp này.
Tiến sĩ Phan Huy Ôn (1755 – 1786), quê Can Lộc, Hà Tĩnh khi thăm thú Ngàn Nưa  đã để lại bài thơ:
                           Na lĩnh (1)
                    Nông Cống chi Tây vạn lĩnh hòn
                    Sa nga Na lĩnh bức vân gian
                    Thiên lưu dật thú nham khê cổ
                    Địa quýnh tri trần thảo thụ nhàn
                    Động quýnh dĩ tuỳ tiền tẩu diễu
                    Sơn dung bất vị Hán Thương hàn (*)
 Dịch thơ:
                            Đỉnh Na Sơn
                    Phía tây Nông Cống núi vạn hòn
                    Na Sơn chót vót trắng mây vờn
                   Trời xây khe đá dành ẩn sĩ
                    Đất nảy cỏ cây lắng bụi trần
                    Đường vào sơn động mờ lối cũ
                    Dáng núi sợ đâu Hán Thương hờn.
                                                              (Lê Hải dịch)

 Trong bài thơ của Tiến sĩ Phan Huy Ôn ngoài ca ngợi cảnh đẹp thần tiên của đỉnh núi Nưa đã nhắc đến một chi tiết về Hồ Hán Thương – con trai của Hồ Quý Ly . Trong một lần đi săn, Hồ Hán Thương gặp gã tiều phu trong núi Nưa, biết người ấy hẳn là một ẩn sĩ nên muốn mời ra làm quan giúp mình. Nhưng người tiều phu cương quyết chối từ, Hồ Hán Thương giận, cho quân lính đốt cháy núi Nưa để tìm người ẩn sĩ ấy (2). Sự việc này được Nguyễn Dữ - học trò của Trạnh Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chép lại trong “ Truyền kỳ mạn lục: ( 3). Câu chuyện được tóm lược như sau:
          “ Đất Thanh Hoá phần nhiều là núi, bát ngát bao la đến mấy ngàn dặm. Trong đó có một ngọn núi cao chót vót gọi là núi Na. Núi có cái động dài và hẹp, hiểm trở mà quạnh hiu bụi trần không bén tới, chân người không bước tới. Hằng ngày, trong động có người tiều phu gánh củi đi ra đổi lấy cá và rượu cốt sao được no say chứ không lấy đồng tiền nào. Hễ gặp ông già trẻ con dưới đồng là nói chuyện trồng dâu, trồng gai một cách vui vẻ. Ai hỏi họ tên, nhà cửa tiều phu chỉ cười không trả lời. Mặt trời ngậm núi, lại thủng thẳng về động. Người đương thời cho là bậc thần tiên… Sau đến năm Khai Đại nhà Hồ, Hán Thương đi săn chợt gặp tiều phu vừa đi vừa hát. Hát xong rồi phất áo đi thẳng. Hán Thương đoán đó là một ẩn sĩ, bèn sai quan hầu Trương công theo mời lại. Nhưng Trương theo gần đến nơi thì người ấy đã rảo bước vào động, vội gọi cũng không trả lời, chỉ thấy cỡi mây lách khói, đi thoăn thoắt trong khoảng cành tùng khóm trúc. Biết đó không phải người thường, bèn rón rén bước theo sau,, rẽ cỏ lấy đường đi, đi ước chừng hai, ba dặm. Song đường núi gập gềnh, càng vào sâu càng khó đi lắm…
Cuối cùng ông quan hầu họ Trương cũng tìm vào được tới am tranh. Tại đây, Nguyễn Dữ ghi lại những lời đối đáp, tranh biện giữa quan hầu họ Trương và Tiều phu về : Cái đạo của người quân tử, về trọng trách giúp đời của bậc sĩ phu và cái chí của kẻ sĩ khi lánh xa chốn hồng trần. Người tiều phu dứt khoát từ chối lời mời của Hồ Hán Thương.
Thấy vậy Trương nói:
-         Sự xuất xứ của bậc người hiền, lại cố chấp đến như thế sao ?
Tiều phu nói:
- Không phải ta cố chấp. Ta chỉ ghét những kẻ miệng lưỡi bẻo lẻo, đã đắm mình trong cái triều đình trọc loạn, lại còn toan kéo người khác để cùng đắm với mình.
Trương lặng im không trả lời, trở về đem hết những lời của Tiều phu tâu  với Chúa. Hán Thương không bằng lòng, nhưng còn muốn đem cỗ xe êm để cố đón ra cho kỳ được, sai Trương lại đi vào lần nữa. Nhưng vào đến nơi thì rêu trùm cửa hang, gai góc đầy núi, dây leo, cành rậm đã lấp mất cả lối đi rồi. Chỉ thấy ở trên vách đất có hai câu thơ đề bằng nhựa cây như sau:
 Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn
Cao Vọng sơn đầu khách tứ sầu
 Lược dịch:
 Kỳ La cửa bể hồn thơ đứt ( 4)
Cao Vọng đầu non dạ khách sầu (5)
 Hán Thương chẳng hiểu hai câu thơ định nói gì bèn cả giận, sai đốt cháy núi, núi cháy hết vẫn không thấy gì, chỉ thấy con hạc đen lượn trên không bay múa. Sau nhà Hồ gặp tai hoạ đều đúng như lời thơ.
Gã Tiều phu ấy, có lẽ là kẻ sỹ đắc đạo đấy chăng ?

Câu chuyện trên tuy mang tính hoang đường nhưng sự việc vào tháng 5 năm Đinh Hợi ( 1407), Hồ Quý Ly bị bắt tại cửa bể Kỳ La và Hồ Hán Thương bị bắt tại núi Cao vọng là có thật.
                                                                                                                                                                         L.H
------------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1)  -Cổ Định – đất và người ( Lê Bật Xuân) NXB Đại học sư phạm – 2008
(*)-Có lẽ tác giả Lê Bật Xuân chép thiếu 2 câu. Bởi vì các nhà Nho làm thơ theo 3 thể: Tứ tuyệt - 4 câu; Thất ngôn bát cú – 8 câu; trên 8 câu là Trường thiên.( Bài thơ này chỉ có 6 câu – lạ)
( 2) -Tương truyền ( dân Cổ Định)  người tu  trong núi Nưa thời Trần, Hồ có tên là Trần Tu Viên.
(3)-Truyền kỳ mạn lục ( Nguyễn Dữ) NXB Văn hoá Hà Nội – 1957
(4)- Cửa bể Kỳ La ( làng Kỳ La, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) năm Đinh Hợi (1407), Hồ Quý Ly bị bắt.
(5)- Núi Cao Vọng ( làng Bình Lễ, huyện Kỳ Anh) năm Đinh Hợi ( 1407), Hồ Hán Thương bị bắt ở đấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét