Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Ngàn Nưa trầm tích và...đương đại

Luật Quốc Công LÊ THÂN
                       LÊ HẢI
 Ngày nay, khách du lịch đến thăm viếng Ngàn Nưa, trên đường từ trung tâm làng Cổ Định vào đỉnh Am Tiên, khi đi hết hàng cây cổ thụ trên 100 tuổi thấy phía bên tay phải một ngôi đền lợp ngói mũi hài, kiến trúc theo lối cổ. Đó chính là đền thờ Luật Quốc Công Lê Thân. Đền nằm gần chân núi, cách Phủ Nưa chừng hơn 200 mét. Năm 2003, Đền được Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh Thanh Hoá ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Tỉnh-Thành phố. Vậy, ông Lê Thân là ai ? Có công trạng gì với quê hương, đất nước ? Tại sao ông được xây dựng đền thờ… ? Những ai chưa một lần đến thăm Ngàn Nưa, chưa thật sự hiểu hết về vùng đất này, đặt ra những câu hỏi như thế cũng là điều dễ hiểu.
Theo gia phả dòng họ Lê Đình ( quyển thượng) cho biết: Cụ Lê Thân , tự Lương Hoà, hiệu Mộ Đức, sinh năm Nhâm Ngọ ( 1282). Ông nội cụ là Lê Ngọ, cha là Lê Mùi  đều là những nho sỹ có tiếng tăm, đức hạnh thời bấy giờ. Mẹ của Cụ là bà Nguyễn Thị Đông, là người đoan chính, đảm đang việc nhà, có lòng từ thiện nên trong họ ngoài làng đều quý mến.
 


 

Nhờ nếp nhà nho sỹ, trời ban cho trí thông minh lại được cha mẹ 
 chăm lo nuôi nấng học hành nên mới ngoài 10 tuổi, cụ Lê Thân đã làu thông Tứ thi, Ngũ kinh, có tiếng là thần đồng. Năm 18 tuổi, Cụ đỗ đầu kỳ thi Hương, thường được gọi là ông Thủ khoa Nưa. Đại đăng khoa rồi tiểu đăng khoa, cùng năm ấy Cụ cưới bà Lê Thị Việt, con gái đầu ông Lê Duy Đàn – Hào trưởng của làng – làm chính thất. Bà Lê Thị Việt cũng là người đoan chính nết na, siêng năng cần kiệm, đảm đang việc tề gia nội trợ.
Tháng 3 năm Giáp Thìn - Hưng Long thứ 12 đời vua Trần Anh Tông ( 1304), triều đình mở khoa thi Hội để tuyển chọn nhân tài. Cụ Lê Thân lúc này đã 22 tuổi,  văn thơ nổi tiếng một vùng, cùng hai em vợ Lê Duy Tiết, Lê Duy Xử và bạn học Doãn Băng Hiến ( Hài) về Thăng Long ứng thí. Thật là rồng mây gặp hội, khoa thi này Mạc Đỉnh Chi đậu Trạng nguyên, cả 4 người con làng Cổ Định đều đỗ Đại khoa, riêng cụ Lê Thân đỗ Hoàng Giáp ( xếp ngay sau Nguyễn Trung Ngạn) nên cụ được xem là người khai khoa thi Hội của huyện Nông Cống, sau khi cụ mất được phối thờ dưới Khổng Tử trong Văn Miếu hàng huyện. Lúc bấy giờ, đây là sự kiện văn hoá lớn không chỉ của làng Cổ Định mà của cả huyện Nông Cống và xứ Thanh Hoá. Đến nay, ở Cổ Định nhiều người còn nhớ bài thơ trên bức trướng do dân làng thêu tặng mừng sự việc ấy:

                   Tam tử đồng khoa
                   Toàn gia tam tiến phục chi lai
                   Nhất cử đăng khoa thực đại tài
                   Hữu chí cánh thành công danh toại
                   Kiên tâm tất đạt ý đương khai
                   Phúc trạch hữu dư năng phát triển
                   Âm bồi nhi cực dục hoà hài
                   Tự cổ chí kim thùy đắc thử
                   Lưỡng chi lan huệ nhất chi mai.

          Tạm dịch:

                   Ba con cùng khoa
                   Nhà ba tiến sĩ hiếm xưa nay
                   Một khoa đỗ cả thực đại tài
                    Có chí công thành danh cũng toại
                   Bền lòng ắt được ý hoa  khai
                   Phúc trạch đủ đầy còn phát triển
                   Âm bồi hai phía đức hoà hài
                   Xưa nay đâu dễ ai được thế
                   Hai cành lan huệ một cành mai.

Sau khi thi đỗ, ban đầu Cụ được bổ dụng quan chức Hàn Lâm Học Sỹ. Cụ là người đức độ lương hoà, chăm chỉ công việc, tư duy nhanh nhạy sáng suốt, lúc nào cũng điền đạm khiêm cung nên dần dần được triều đình tin tưởng thăng các chức vụ: Sử Trung Thừa, rồi thăng: Biên Tu Quốc Sử Quán, thăng: Đô Ngự Sử, thăng: Thượng Thư Bộ Lễ, Thượng Thư Bộ Lại. Đến đời vua Trần Dụ Tông, Cụ được mời làm Tể Tướng chức Nhập Nội Hành Khiển Khu Mật Viện Đô Kỵ Sự. Năm Cụ là Thái Phó nhà vua giao cho Cụ cùng Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn biên soạn bộ Hoàng triều đại điển và khảo đính bộ Hình thư. Do công lao ấy mà cụ được nhà vua phong tước Luật Quốc Công.
Cụ Lê Thân làm quan trải bốn đời vua Trần ( Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông và Dụ Tông) đóng góp nhiều kế sách giúp vua trị quốc an dân. Năm Nhâm Thìn – Thiệu Phong thứ 12, Trần Dụ Tông ( 1352), khi này cụ Lê Thân đã 70 tuổi, thấy sức khoẻ giảm sút, các con cháu thì đều đã đỗ đạt làm quan, mặt khác chính sự triều đình, và đạo đức hàng quan lại có những biểu hiện ngày một suy vi thấy không còn hợp với mình nữa nên Cụ xin được trí sĩ. Nhà vua lưu luyến, mấy lần yêu cầu Cụ ở lại tiếp tục giúp vua công việc Quốc gia, nhưng lòng Cụ đã quyết. Cuối cùng vua Trần Dụ Tông đành đồng ý, ban cấp tiền bạc, ruộng đất để Cụ được trí sĩ tại quê nhà.
Bao năm  đi xa, nay được trở về với quê hương bản quán, sống cùng gia đình, họ hàng, bà con trong xóm ngoài làng. Cụ sống hoà nhã đôn hậu, hay làm việc thiện nên ai ai cũng mến, thường gọi Cụ bằng cái tên trìu mến “ Quan già luật”. Cụ cho xây dựng chùa Vặng cúng làng Vĩnh Duyên ( nay là làng Mậu, xã Tân Ninh) để lưu công đức.
Cụ Lê Thân mất ngày 20 tháng 10 năm Đinh Mùi ( 1367), thọ 85 tuổi. Nghe tin Cụ mất, triều đình cử quan khâm sai về phúng điếu và sắc phong Cụ là Phúc thần làng Vĩnh Duyên. Năm sau, ( Mậu Thân – 1368), triều đình xuất công quỹ xây dựng miếu thờ Luật Quốc Công Lê Thân, ban cấp ruộng đất cho con cháu thu hoa lợi cúng tế hàng năm đồng thời khắc bia đá ca ngợi công lao để lưu lại về sau. Bài văn bia như sau:

          LUẬT QUỐC CÔNG VĂN BIA

          Nông Cống Cổ Na danh lý
          Thanh Hoá Việt tổ miếu hồng
          Triều đình khai khoa tuyển sỹ
          Bảng trương mạc Lê nhị công
          Giang sơn tự hữu tuấn kiệt
          Triều cương nhật nhật hào hùng
          Đương sơ Hàm lâm hiệu lý
          Trợ công vị trí Quốc công
          Tứ triều danh thần lương tướng
          Minh thần toàn hiếu toàn trung
          Vãn niên vinh quy trí sỹ
          Tử tôn đương chức tử hồng
          Vị quan thanh liêm, chính trực
          Vị dân hoà mục khiêm cung
          Luân lý tương thân, tương trọng
          Vãng lai truân cam dữ đồng
          Thọ bát thập ngũ linh lạc
          Du tiên chu quách thời phùng
          Triều đình khâm sai điếu phúng
          Quả nhiên ân điển vô song
          Bàn minh lưu hậu công đức
          Miếu vũ niên niên phụng cung
          Vĩnh Duyên phúc thần phong sắc
          Ngột bài hương hoả sa phong.

Đại Trị thập nhất niên xuân
    Phụng mệnh cẩn soạn
                                       ( Mùa xuân năm Đại Trị thứ 11-1368
                                                        Vâng lệnh vua soạn )
 Cụ Lê Thân được xem là Tổ của dòng họ Lê Đình tại đất Cổ Định. Cụ có hai người con trai. Ông Lê Dậu, sinh năm Nhâm Dần - 1302 ( con bà cả Lê Thị Việt), thi đậu Cử nhân, làm quan thời Trần, chức vụ: Tả Thị Lang Bộ Hộ, tước Khánh Xuân Bá; Ông Lê Quát, sinh năm Kỷ Mùi - 1319 ( con bà hai Đặng Thị Lý, quê làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn), thi đậu Tiến sĩ năm 21 tuổi - 1340. Ông là danh sỹ nổi tiếng thời Trần, làm quan tới chức Thượng Thư Hữu Bật Nhập Nội Hành Khiển ( Thừa Tướng), để lại nhiều thơ phú được người đời đánh giá cao về tài năng và đức độ. Các cháu nội là: Lê Dần, thi đỗ Cử nhân làm quan tới chức vụ Đại Lý Tự Thiếu Khanh; Lê Giốc, thi đỗ Tiến sĩ năm 25 tuổi, làm quan tới chức An Phủ Sứ kinh thành Thăng Long, hy sinh vì tiết nghĩa được vua phong tặng là Mạ Tặc Trung Vũ Hầu. Các đời sau này, trong dòng họ có nhiều cháu chắt thi đỗ cử nhân, phó bảng, tiến sĩ, là danh nho của các triều đại phong kiến. Người cuối cùng là ông Lê Đình Ngữ ( Ngô) làm quan triều Nguyễn, chức vụ Hàn Lâm Học Sĩ, là thầy dạy của vua Khải Định.
Đến nay, dù đã hơn 700 năm, nhưng vào ngày 20 tháng 10 ( AL), con cháu họ Lê Đình từ khắp mọi miền Tổ Quốc vẫn tề tựu dưới mái nhà thờ Tổ Luật Quốc Công Lê Thân, để báo cáo với các bậc tiên tổ những việc tốt mà cháu con đã làm được cho đất nước, quê hương như lời các bậc tiền nhân đã dặn dò: “Nội tộc hữu ẩn đức khổ tiết kỳ hành hảo học đẳng nhânTrong nội tộc của mình có đức tính chịu khổ cực, có chí khí lo học hành thật giỏi để được bằng người” và dâng nén hương thơm tưởng nhớ cụ Tổ Luật Quốc Công Lê Thân, người bằng tài năng, đức độ đã để lại tiếng thơm cho dòng họ và quê hương.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét