Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Nơi Gặp gỡ những anh linh

  Đức Cơ-mảnh đất tuyến đầu

 
Là chúng tôi đang muốn nói đến Nghĩa trang Liệt sĩ  Đức Cơ và  huyện biên giới Đức Cơ. Được biết đến là nơi an nghỉ của các thế hệ liệt sĩ trong 3 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ,  bảo vệ biên giới Tây Nam và cũng là nơi an nghỉ của liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Campuchia, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ chính là nơi lưu giữ “Trầm của đất nước”, nơi hội tụ của những anh linh. Cũng có thể gọi đây là một nghĩa trang đặc biệt, bởi trong số  1.350 ngôi mộ được quy tập ở nơi này, mới xác định được 100 mộ có tên. Và trong 100 mộ có tên ấy cũng chỉ có 50 mộ có đầy đủ tên, quê quán...  

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, Báo Gia Lai giới thiệu chùm bài về Nghĩa trang Liệt sĩ  Đức Cơ và mảnh đất tuyến đầu này.

Lật lại lịch sử miền biên ải này ta thấy, từ những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đức Cơ đã là tuyến đầu, là tiền tiêu của Tổ quốc. Mấy chục năm chống Mỹ cũng trên mảnh đất biên cương này, đồng bào các dân tộc đã cùng viết lên những trang sử hào hùng. Và hôm nay, Đức Cơ không chỉ phát triển kinh tế-xã hội mà vẫn luôn trong tư thế tuyến đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Ảnh: Quốc Ninh
                Ảnh: Quốc Ninh
Chuyện của một vị tướng

Câu chuyện của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Hà Minh Thám-Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), khi ông còn giữ chức Chính ủy Binh đoàn Tây Nguyên. Đó là cứ vào dịp 27-7, dù bận thế nào ông cũng vẫn sắp xếp thời gian, thường là một ngày lên Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ, một mình, thắp cho anh em đồng chí, đồng đội, những người đã hy sinh vì Tổ quốc những nén hương tri ân.


Nhất là, với những liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia; những người phần lớn đến nay vẫn không xác định được danh tính; mà trong đó, biết đâu có người đã từng cùng ông đồng cam cộng khổ trong trận đánh tại điểm cao 677 hay trận đón lõng đánh địch từ Thái Lan về Campuchia năm nào. Chuyện trò cùng ông, tôi mường tượng và dường như hiểu được phần nào những suy nghĩ của ông, bởi tôi cũng đã từng là lính chiến trường ngày ấy.

Vậy là, câu chuyện của chúng tôi ngược thời gian về năm 1978, khi ông cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ biên giới Đức Cơ. Trong trận đầu ra quân, ngày 4-6-1978, với cương vị Đại đội phó (thuộc Trung đoàn 95), ông đã chỉ huy đơn vị chốt giữ điểm cao biên giới liên tục trong 3 tháng liền, chiến đấu tiêu diệt được địch, giữ vững trận địa. Trận ngày 14-9-1978, dù cho địch đánh liên tục từ sáng sớm đến 3 giờ chiều, đồng đội nhiều người hi sinh và bị thương (bản thân ông nhận tới 13 vết thương) nhưng ông vẫn tổ chức cho đơn vị đánh lui 1 tiểu đoàn địch, đánh bại nhiều cuộc tấn công của kẻ thù, giữ vững chốt.

Rồi những năm tháng cùng với Quân Tình nguyện Việt Nam sang giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ Pôn Pốt, tham gia trong đơn vị chiến đấu của Sư đoàn 307, ông cùng đồng đội luôn kề vai sát cánh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà mở đầu là chiến đấu thắng lợi trong chiến dịch M1-đánh điểm cao 547 và sau đó là hàng loạt các trận khác như: trận đánh ngày 8 và 9-12-1984 tại điểm cao 677; trận phục kích đón lõng đánh địch từ biên giới Thái Lan về Campuchia ngày 4-8-1988...

“Chiến đấu giành thắng lợi là thế, nhưng những tổn thất, mất mát mà đồng đội chúng tôi phải nhận cũng không hề nhỏ. Vẫn biết, sự hy sinh của anh em đồng chí là cao cả, là vô giá, nhưng vẫn khiến trong ta luôn nhớ thương day dứt khôn nguôi”-giọng ông thoắt trầm lại. Nhìn dáng vẻ ông khi ấy, chúng tôi càng hiểu sâu sắc hơn cái tình của người lính đối với anh em đồng chí, đồng đội; cái trách nhiệm của người chiến sĩ cách mạng. Rồi, trong thẳm sâu của không gian và thời gian ấy, tôi ngồi nghe ông tỏ bày những ước mong. Ông ước, tất cả những người như ông, những Quân Tình nguyện Việt Nam đã không tiếc máu xương cho Tổ quốc, đã nằm lại trên đất bạn mau chóng được trở về với Đất Mẹ, với người thân, với anh em đồng chí, đồng đội…

Ông ước, tất cả họ, nếu đã trở về rồi thì hãy lên tiếng, để cho ông và những người may mắn còn sống, được gọi đúng người, đúng tên, đúng cả những biệt danh mà đồng đội đã đặt cho nhau ngày tháng trước…  Và, “riêng tôi, tôi sẽ cố gắng làm đúng chức trách của mình, để không phải hổ thẹn với những người đã ngã xuống cho đất nước độc lập, cho dân tộc tự do, cho bản thân tôi có thêm cơ hội để phấn đấu, để cống hiến”-ông bày tỏ.

Tuyến đầu Tổ quốc

Lật lại lịch sử miền biên ải này ta thấy, từ đầu những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đức Cơ đã là tuyến đầu, là tiền tiêu của Tổ quốc. Một trong những nhân chứng tham gia chiến đấu thời ấy-ông Nguyễn Ngọc Thạnh quê Bình Định, nguyên Chính trị viên thuộc Trung đội Quy Nhơn (thuộc Chi đội Phan Đình Phùng, Trung Trung bộ) có mặt ở Chư Ty vào đầu năm 1946, mà tôi may mắn đã được gặp, kể lại: “Mặt trận Tây Gia Lai năm 1946 không chỉ bó hẹp ở phòng tuyến Ia Dao-Chư Ty (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai ngày nay) mà mở rộng đến tận Ozađav (Campuchia), vì từ tháng 11-1945, Pháp đã xúc tiến để chuẩn bị chiếm lại Tây Nguyên. Gia Lai bị chúng uy hiếp từ hai phía Buôn Ma Thuột và Campuchia. Đông Dương đã trở thành chiến trường chung chống thực dân Pháp xâm lược. Ta tổ chức nhiều trận đánh, hai bên giằng co nhau rất ác liệt”.

Thời kỳ chống Mỹ dọc dài mấy chục năm, cũng trên mảnh đất biên cương này, đồng bào các dân tộc đã cùng viết lên những trang sử hào hùng. Đức Cơ vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến. Con đường chiến lược Bắc-Nam vào miền Đông Nam bộ dọc chiều dài biên giới, chuyển quân, tiếp tế cho chiến trường B2. Bởi thế, Mỹ-Ngụy điên cuồng trút bom đạn, càn quét vào vùng đất này. Những trận giao chiến ác liệt liên tục giữa ta và địch nổi tiếng trong lịch sử với các địa danh như: Đức Cơ, Lệ Thanh, Đức Vinh… luôn là niềm kiêu hãnh của quân và dân Đức Cơ.

Tháng 4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, niềm vui chưa trọn thì vùng biên giới Đức Cơ lại vào trận chiến chống quân Pôn Pốt, là tuyến đầu của cả tỉnh trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Và, Cửa khẩu Lệ Thanh lại chứng kiến từ khi Quân Tình nguyện Việt Nam vượt biên giới giúp nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt đến khi hát khúc khải hoàn…

Nhưng chiến thắng nào cũng có mất mát hy sinh. Chiến tranh đã đi qua, nhưng hậu quả của chiến tranh luôn là nỗi đau, mất mát thì vẫn còn hiện hữu. Tôi từng theo và chứng kiến không ít lần khai quật hài cốt liệt sĩ trên mảnh đất này, như ở Đức Vinh, Mook Đen, hay đón hài cốt liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia về Đất Mẹ qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, an táng ở Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ.

Cuộc kiếm tìm đồng đội cũng dằng dặc suốt mấy chục năm qua chưa bao giờ ngơi nghỉ. Cuộc kiếm tìm hài cốt các bác, các anh đã khó, tìm lại tên cho các anh, các bác còn khó vạn lần. Nhưng dù đã có tên hay chưa tìm được tên cho các anh, những liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhiệm vụ quốc tế cao cả, các anh cũng đã về với Đất Mẹ, trên mảnh đất tuyến đầu này. Đức Cơ hôm nay đang ngày một phát triển. Đã có một thị trấn Chư Ty sầm uất, một Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh với sự hình thành khu kinh tế mở. Đức Cơ vẫn luôn trong tư thế ở tuyến đầu với thế trận lòng dân vững chắc. Và, Nghĩa trang Liệt sĩ ở nơi này đã được nâng cấp khang trang, vẫn luôn mong đợi đón các anh hùng liệt sĩ về Đất Mẹ…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét