Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Ngàn Nưa trầm tích và...đương đại

THỬ DỊCH THƠ ĐƯỜNG LUẬT ( VIỆT NAM)
                        SANG THỂ LỤC BÁT

                                          LÊ HẢI

Đêm qua, nhân vào trang VĂN THƠ VIỆT, có diễm phúc được đọc một số bài thơ của các thi sĩ nước ngoài do tác giả Ngọc Châu chuyển ngữ sang tiếng Việt. Điều đặc biệt là tác giả Ngọc Châu dịch sang thể Lục bát, một thể thơ thuần Việt và anh gọi là SONG NGỮ LỤC BÁT. Chưa bàn đến việc dùng cụm từ SONG NGỮ LỤC BÁT chuẩn xác hay không và giá trị văn học những bài thơ dịch, riêng  việc dùng thể thơ Lục bát đã cho đọc giả những cảm nhận mới về việc dịch thơ nước ngoài từ những bài thơ đã quá quen thuộc với người Việt Nam ta.
Bản thân tôi lâu nay cũng đã dịch sang thể Lục bát một số bài thơ Đường luật của các vị danh nho của quê hương tôi ( làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Do trình độ hiểu biết Hán văn và khả năng thơ phú còn hạn chế nên chưa dám công khai. Nay nhờ tác giả Ngọc Châu tiếp sức mạnh, tôi cũng xin mạnh dạn chuyển đến đọc giả xa gần những bản dịch thô thiển của mình. Mong được các bậc túc nho, các thi sĩ cho nhiều ý kiến đóng góp. Được thế, thật vạn hạnh.

            Bài 1:      TỐNG PHẠM CÔNG SƯ MẠNH BẮC SỨ
   ( Thượng thư hữu bật, Nhập nội hành khiển Lê Quát – đời nhà Trần)

          Nguyên văn:

                   Dịch lộ tam thiên quân cứ an
                   Hải môn thập nhị ngã hoàn san
                   Trung triều sứ giả yên ba khách
                   Quân đắc công danh ngã đắc nhàn

          Dịch thơ:
]                  Anh lên yên ngựa ba ngàn dặm
                   Hai mươi cửa bể tôi về ngàn
                   Người vui mây nước, người đi sứ
                   Bạn đạt công danh, tớ được nhàn

          Lục bát:  TIỄN BẠN ĐI SỨ
                   Ba ngàn dặm trạm đường trường
                   Anh lên yên ngựa, tôi nương biển trời
                   Sứ thần phương Bắc xa xôi
                   Công danh bạn hưởng, còn tôi được nhàn.

 



          Bài 2:           SỨ TỐNG
( Lệnh thư gia Doãn Anh Khải, đi sứ Tống tháng 10/1130-  đời vua Lý Thần Tông)

          Nguyên văn:
                   Trương tiết mao phụng mạng sứ thần
                   Vị dân vị quốc hiếu kỳ thân
                   Phong sương hà nại trung trường khổ
                   Quốc thể nan vong sở dữ tần
                   Biên cương bất định sinh đao kiếm
                   Giới hạn thiên thư dĩ định phân
                   Sứ sự tống triều tồn minh mạc
                   Nhất tâm phụ quốc ắt thành nhân.

          Dịch thơ:  ĐI SỨ NƯỚC TỐNG
                   Giương cờ đi sứ nước người
                   Vì dân, vì nước trọn đời hiếu nhân
                   Gian lao nào quản đường trần
                   Bảo tồn quốc thể Sở, Tần sợ ai
                   Biên cương trời đã phân hai
                   Dẹp yên binh lửa tấu bài âu ca
                   Việc đi sứ lắm phong ba
                   Một lòng báo quốc ắt là thành nhân.


          Bài 3:       THÔNG SỨ BẮC
( Trung vệ đại phu Doãn Tử Tư – đời vua Lý Anh Tông – hai lần đi sứ:
 năm 1164 và 1173)

          Nguyên văn:
                   Tiếp phúc tổ tông thông sứ bắc
                   Thiên nhai kiên trí học tô tần
                   Chiến tranh dĩ thức thùy siêu việt
                   Ninh tĩnh giảng hòa hợp ý dân
                   Phụng chiếu thử hành tầm giai sự
                   Cùng thừa nhất khứ vãn hồi âm
                   Toàn ý toàn tâm vị quân quốc
Vạn trùng tiệp bộ khởi tinh thần.

          Dịch thơ:  THÔNG GIAO XỨ BẮC
                   Sứ thần tiếp phúc cha ông
                   Kiên trì học trí của ông Tô Tần
                   Hòa bình chính hợp lòng dân
                   Chiến tranh binh lửa bội phần xót đau
                   Lệnh vua mang nặng trên đầu
                   Mong tin thắng lợi báo câu khải hoàn
Vì dân, vì nước bình an
                   Đường dài mỗi bước tinh thần thêm hăng


          Bài 4:        SỨ BẮC
( Hoàng giáp Lê Bật Tứ - thi đậu năm 1598 – đi sứ 1606 – 1608)

          Nguyên văn:
                   Vạn lý trường đồ mệnh quân vương
                   Tiết mao sứ sự hành bắc phương
                   Thượng âm vũ lộ nam thiên khổn
                   Hạ huyết đan tâm nhật nguyệt trường
                   Cần phong đắc tứ quang khuê tảo
                   Hòa hiếu bang giao thịnh miếu đường
                   Quân quốc nhất tề hoàn trọng nhiệm
                   Sơn khuyên hà nại yểm phong sương.

          Dịch thơ:         ĐI SỨ BẮC
                   Sứ thần được lệnh vua giao
                   Bắc phương giương ngọn tiết mao lên đường
                   Hành trình mưa gió bất thường
                   Ánh sao rực sáng dẫn đường vượt lên
                   Lòng son đền đáp ơn trên
                   Bang giao hòa hiếu bình yên miếu đường
                   Quyết vì đất nước thịnh cường
                   Sông sâu, núi cả phong sương sá gì !



          Bài 5:      CẦN VƯƠNG ĐỊA
( Cử nhân Lê Ngọc Toản, được vua Hàm Nghi phong chức Tán tương quân vụ, tổ chức phong trào Cần vương tại tổng Cổ Định, Thanh Hóa)

          Nguyên văn:
                   Đông hữu lãng giang tây hữu sơn
                   Ngô quân cảnh giới tại bờ đồn
                   Nghĩa quân căn cứ tam khê động
                   Vị trí tiền tiêu đống thạch sơn
                   Kiếm mã chuyển thân thành võ tướng
                   Lược thao kiêm dụng khách văn chương
                   Sự nghiệp cần vương đương khởi sắc
                   Bình tây sát tả chí phương cường.


          Dịch thơ:    ĐẤT CẦN VƯƠNG
                   Đông sông Lãng, tây Na Sơn
                   Nghĩa quân đắp lũy, xây đồn tuần tra
                   Căn cứ động thẳm Khe Ba
                   Tiền tiêu dựng đá từ xa tới gần
                   Ngựa gươm võ tướng chuyển thân
                   Lược thao nhờ cậy khách thần văn chương
                   Dấy lên sự nghiệp Cần vương
                   Diệt Tây nêu chí cương cường không phai.

                                 ( Các bài thơ trên được rút từ: Hoàng Việt thi tuyển
 và gia phả các dòng họ:
Lê Đình, Doãn, Lê Bật, Lê Ngọc- Tân Ninh, Triệu sơn, Thanh Hóa)

                            Lê Hải  dịch từ nguyên văn chữ Hán

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét