Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Ngàn Nưa trầm tích và...đương đại

Hổ tướng Tào Sơn Hầu
              LÊ HẢI
 Ngày còn bé, mỗi lần có việc từ xóm Ất lên xóm Giáp ( Cổ Định), nhất là những buổi chiều tà hoặc hừng đông khi đi qua ngôi miếu cổ, nơi giáp ranh giữa hai xóm, bản thân tôi không khỏi hồi hộp, lo lắng. Tuy ngôi miếu chỉ nhỏ nhoi nhưng từ lâu bị bỏ hoang phế, cỏ và dây leo mọc đầy càng làm ngôi miếu mang màu huyền bí. Thời ấy, lũ trẻ chăn trâu chúng tôi tuy có tiếng là ngỗ nghịch nhưng không có nhiều đứa dám đến gần ngôi miếu ấy. Người địa phương chỉ gọi nôm na: Miếu Ông Tào.
Chính người dân quê tôi  cũng không rõ ngôi miếu được xây dựng từ thời nào.
 Trong một lần vô tình đọc được một tài liệu  của triều Nguyễn nhắc đến vị khai quốc công thần của thời Lê Trung hưng, cận thần của ông Nguyễn Kim, được phong tước Tào Sơn Hầu, quê làng Cổ Định, huyện Nông Cống.

 
Trong lần từ phương Nam về phép, tôi đem việc này hỏi cha tôi về xuất xứ ngôi miếu ông Tào, cha tôi chỉ kể lại đôi lời về vị tướng được thờ trong ngôi miếu ấy nhưng có tính truyền thuyết nhiều hơn. Vẫn đem chuyện ấy hỏi các vị bô lão trong làng, mỗi người kể một kiểu, nhiều chi tiết được thêm thắt mà phần lớn nhuốm màu huyền bí. Sau này có điều kiện đọc thêm sách và tài liệu kết hợp với những mẩu chuyện rời rạc được nghe kể ở quê, tôi quyết định viết lại toàn bộ câu chuyện về vị tướng quân được phong tước Tào Sơn Hầu. Chắc rằng, câu chuyện tôi viết chưa thể làm thoả mãn hết được mọi người nhưng đó là chút lòng thành của người con làng Cổ Định đi xa, tưởng nhớ về quê hương đất Tổ:


Thuở ấy, sau khi tiếm ngôi nhà Lê, Mạc Đăng Dung quay ra đàn áp những người, những phe phái chống đối. Làng Cổ Định thời ấy có một vị đậu tiến sỹ, làm quan thời vua Lê Chiêu Tông – Cung Hoàng tới chức Thái Tể. Ông tên là Lê Tuấn Kiệt. Để phản đối Mạc Đăng Dung, ông trở về Thanh Hoá chiêu mộ binh mã chống lại nhà Mạc. Sau này, Mạc Đăng Dung đàn áp cuộc khởi nghĩa, bắt và chém đầu ông Lê Tuấn Kiệt tại cây đa bãi Đình Trung.
Nằm kế bên bãi Đình Trung, có gia đình cha họ Hoàng, mẹ họ Lê sinh cậu con trai đặt tên là Hoàng Đoan Khải. Cha mất sớm, cậu ở với mẹ và ông ngoại. Rồi mẹ cũng mất. Lúc này chỉ còn hai ông cháu nương tựa lẫn nhau. Sau khi ông ngoại mất, ông Hoàng Đoan Khải nghĩ mình mồ côi được ông ngoại thương yêu, cưu mang nên ông quyết định cải sang họ Lê. Do nhà nghèo, cậu bé  Đoan Khải phải lao động từ rất sớm, nhờ thế mà trời ban cho ông cơ thể cường tráng, trí lực mạnh mẽ, võ nghệ cao cường do chính ông ngoại truyền cho.
Kế sinh nhai chính của ông là đan lờ đi bắt cá ở cánh đồng Troòng, sát chân núi Nưa. Một lần, vào buổi sáng khi vào lấy cá thì thấy những chiếc lờ bị xé toạc vứt lăn lóc trên bờ, máu và vảy cá vung vãi khắp nơi, xung quanh có nhiều dấu chân hổ lớn. Ông nghĩ: Hẳn đêm qua hổ trong rừng ra ăn trộm cá. Ông tìm kế quyết bắt cho được con hổ này. Quả nhiên đêm sau, quen ăn, một con hổ lớn từ rừng Nưa đi ra men theo bờ ruộng  kéo lờ lên bắt cá ăn. Chỉ chờ có thế, từ trong bụi rậm, ông Khải phóng ra, miệng la lớn, tay vung gậy lên. Giật mình, con hổ phóng chạy về phía rừng, nhưng đường về đã bị chặn, hổ phóng xuống ruộng tìm hướng khác.. Nhưng con hổ đâu có biết đây là cánh đồng chiêm trũng, ruộng sình lầy ngập ngụa, càng vùng vẫy càng lún sâu hơn. Trong khi đó, ông Khải đứng trên bờ vung gậy hò hét làm cho hổ càng sợ hãi cuống quýt. Cuối cùng, hổ kiệt sức, thân mình ngập trong bùn, không thể rút chân lên được. Hổ quay lại nhìn ông như muốn cầu cứu. Đến lúc này, ông Khải từ từ đến bên hổ, bằng nhãn lực mạnh mẽ ông nhìn vào mắt hổ làm nó cụp mắt xuống, ông đưa tay xoa đầu, hổ thè lưỡi liếm tay ông như ý đã thuần phục. Ông tìm cách kéo hổ lên bờ, múc nước tắm rửa sạch sẽ rồi đưa nó theo mình về nhà. Ông Khải đã thuần phục được con hổ dữ trở thành ngoan ngoãn như vật nuôi trong nhà. Từ đó con hổ luôn theo sát, giúp ông được nhiều việc, vào rừng săn thú, đi đánh bắt cá, ban đêm hổ ngủ ngay dưới chân giường.
Lúc này, cụ Nguyễn Kim, cựu công thần nhà Lê, quê Thanh Hoá đã đón được Lê Duy Ninh ( con vua Lê Chiêu Tông) từ Sần Nưa ( nước Lào) về lập làm vua hiệu là Lê Trang Tông; đồng thời phất cờ dựng nghĩa chống lại nhà Mạc, mở cuộc trung hưng nhà Lê.
Từng biết đến cái chết bi tráng của vị thủ lĩnh nghĩa quân Lê Tuấn Kiệt dưới lưỡi dao của nhà Mạc; mặt khác thấy đây là cơ hội thoả ước nguyện làm trai mang tài ra giúp nước, giúp dân, ông Đoan Khải một mình tay cầm đinh ba sắt, cỡi trên mình hổ tìm đến ra mắt vua Lê Trang Tông. Nghe tin có người cưỡi hổ tìm đến, quan Thái sư phụ chính Nguyễn Kim vừa mừng vừa lo: lo không biết là dị nhân phương nào, mừng là nếu đúng người tài có thể giúp ích cho công cuộc trung hưng. Quả nhiên, khi giáp mặt nhìn dáng vẻ uy nghi, trán vuông, mắt sáng, tiếng nói như chuông biết đó là tướng tài.
Vua hỏi:
-         Nhà ngươi từ đâu đến đây? Có việc gì cần tâu trình?
Ông Đoan Khải quỳ xuống thưa:
- Tâu bệ hạ và quan Thái sư phụ chính, thần dân tên Lê Đoan Khải, quê xã Cổ Ninh, huyện Nông Cống. Mồ côi từ nhỏ, nhà nghèo không được học hành nhiều, chỉ có chút sức khoẻ và võ nghệ, nay đến đây xin được đầu quân dưới trướng.
          Vua hỏi tiếp:
-         Ngươi có thể làm được việc gì?
Ông Đoan Khải:
-         Thần làm bất cứ việc gì được bệ hạ giao phó.
Quan Thái sư thấy thế, vuốt râu rồi hỏi:
-         Ngươi nói ta nghe về đạo làm tướng?
- Thưa bệ hạ và quan Thái sư phụ chính – Ông Khải trả lời: – Đạo làm tướng phải biết lo cái lo của vua, khi tiến luôn đi đầu, khi thoái luôn chặn hậu, cố kết lòng binh sĩ như anh em một nhà, thưởng phạt nghiêm minh…
Nghe ông trả lời, vua Trang Tông và Thái sư Nguyễn Kim vô cùng mừng rỡ, từ đó lưu ông lại bên mình làm tâm phúc.
Đây là những tháng ngày oai hùng nhất của đời ông. Được vua và Thái sư phục tài, tin tưởng nên giao cho ông những trọng trách quan trọng. Đáp lại tấm ân tình ấy, ông Lê Đoan Khải trổ hết tài năng võ thuật và mưu lược của vị tướng quân xông pha trận mạc, đánh Đông, dẹp Bắc, những trận chiến thư hùng gây cho quân Mạc những tổn thất nặng nề. Ông cùng vua Lê Trang Tông và cụ Nguyễn Kim vào sinh ra tử nhiều phen, đóng góp nhiều chiến công vào sự nghiệp trung hưng. Khi cuộc trung hưng ngày càng thu nhiều thắng lợi, mở rộng địa bàn ra toàn tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An, ông được vua phong chức: Tả đô đốc, Cẩm y vệ điện tiền đô chỉ huy sứ, Trấn quốc đại tướng quân và phong tước Tào Sơn Hầu.
Trong lúc, cuộc khởi nghĩa đang thắng lợi như chẻ tre thì bất hạnh thay, năm 1545, Thái sư phụ chính Nguyễn Kim bị hàng tướng của nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết. Cụ Nguyễn Kim mất, hai con trai là Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng chưa đủ sức gánh vác cuộc trung hưng nên vua Lê Trang Tông đành giao cho Trịnh Kiểm ( con rể cụ Nguyễn Kim) làm Thái sư, Lạng quốc công nắm giữ binh quyền. Mặc dù nhiều lần vua thúc dụ Trịnh Kiểm mang quân ra Bắc tiêu diệt nhà Mạc, nhưng ông ta vẫn lần khân không chịu tiến quân mà quay lại tìm nhiều mưu kế loại trừ những người thân và tướng tá thân cận của cụ Nguyễn Kim, nhằm nắm trọn quyền bính. Cái chết của Nguyễn Uông là đòn đánh mạnh vào phong trào trung hưng. Nguyễn Hoàng, con trai thứ buộc phải xin vào trấn nhậm xứ Thuận - Quảng, để tránh thảm cảnh như anh trai mình.
Ông Đoan Khải lúc này đã lớn tuổi, hơn nữa trực tiếp chứng kiến hai cái chết bi thương của chủ soái Nguyễn Kim và nhất là cái chết của Nguyễn Uông do Trịnh Kiểm sát hại làm ông vô cùng đau đớn, sức khoẻ bỗng nhiên giảm sút rõ rệt. Ông thường lấy cớ về sức khoẻ để xin được về quê hương nghỉ ngơi. Một lần Trịnh Kiểm mời ông ra bàn việc nước, sau khi dự yến tiệc, trở về đến nhà thì ông mất. Được tin, vua Lê Trang Tông và tướng sĩ dưới quyền ông vô cùng thương tiếc. Nhân dân trong làng lập một ngôi miếu thờ nhỏ bằng tre nứa để tưởng nịêm. Con hổ, theo ông suốt bấy năm qua, khi ông mất vẫn quanh quẩn khi nơi miếu thờ, lúc tại mộ ông, thời gian sau con hổ bỏ đi biệt tích, có lẽ nó đã trở lại Ngàn Nưa…
Đến thời nhà Nguyễn, ông được xem là Khai quốc công thần,  được triều đình ban tặng nhiều sắc phong, trong đó có sắc phong là phúc thần của 10 thôn. Có lẽ ngôi miếu hiện nay cũng được xây dựng vào thời gian ấy, bởi vì ngoài cửa miếu có đôi câu đối:

Tướng tiết anh linh thiên cổ miếu
Tào Sơn chính khí thập thôn thần

Dịch nghĩa:

Anh linh vị đại tướng còn lưu danh ngàn đời tại miếu đường
Chính khí củaTào Sơn Hầu xứng đáng là phúc thần mười thôn

Trải bao biến cố lịch sử, có thời gian dài ngôi miếu bị bỏ hoang phế, không ai chăm sóc. Mãi đến năm 1992, Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh Thanh Hoá ra quyết định công nhận miếu thờ Tào Sơn Hầu là di tích Lịch sử văn hoá cấp Tỉnh-Thành phố và cấp kinh phí để tu bổ lại. Không biết hiện nay di hệ con cháu của Tào Sơn Hầu có còn ai không? Nếu còn thì đang ở đâu? Cũng không ai biết ông mất vào ngày, tháng, năm nào, chỉ ngày rằm, mùng một bà con trong làng mới đến miếu dâng hương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét