Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Ngàn Nưa trầm tích và...đương đại


Một dòng họ - ba chánh sứ

                              LÊ HẢI

Đất Cổ Định nằm tựa lưng vào dãy ngàn Nưa, trước mặt là dòng sông Lường nước chảy lững lờ quanh năm. Có lẽ, chính nhờ thế đất “ tiền giang hậu sơn” ấy mà Cổ Định được xem là đất khoa bảng. Suốt chiều dài lịch sử, ở triều đại nào các dòng họ lớn trong làng lần lượt đều có người đỗ Đại khoa. Họ Doãn là một dòng họ như vậy. Vào thời đại nhà Lý, nhà Trần đã có ba người được nhà vua tin cậy giao phó chức chánh sứ sang Trung Quốc, đó là các ông Doãn Anh Khải, Doãn Tử Tư và Doãn Băng Hiến ( Hài).
Như đã biết, trong thời đại nào việc đi sứ sang phương Bắc là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, gian khổ và nguy hiểm. Nếu sứ giả thiếu tài năng, bản lĩnh làm nhục đến quốc thể kể như mang tội chết; nếu làm đối phương tức giận gây chuyện binh đao cũng là tội chết; chưa kể những khó khăn gian khổ gặp phải trên đường khi đi cũng như khi về và việc bị coi thường, coi khinh của vua quan phương Bắc.
 NGƯỜI THỨ NHẤT
Đến nay, Gia phả họ Doãn còn ghi rõ: vào thời nhà Lý, Cụ Doãn Anh Khải là người đầu tiên trong dòng họ được vua Lý Thần Tông ( 1128 – 1138) cử đi sứ Trung Quốc. Tuy gia phả không cho biết cụ Doãn Anh Khải sinh năm nào, mất năm nào nhưng vào thời gian được cử đi sứ, cụ đang giữ chức Lệnh thư gia. Theo sách lịch sử chính thống của nước ta thì : Mùa đông, tháng 10 năm  Canh tuất - Thuận Thiên thứ 3 ( 1130), nhà Tống sai sứ mang ấn báu và sắc vàng sang phong vua Lý Thần Tông là Giao Chỉ quận vương… Tháng 12, năm ấy, vua sai Lênh thư gia Doãn Anh Khải và Viên ngoại lang Lý Phụng Ân đi sứ sang nước Tống mang lễ vật để đáp lễ, và tạ ơn (1) .
Trong thời gian đi sứ sang nước Tống ( Trung Quốc), cụ Doãn Anh Khải đã cảm khái làm bài thơ nói lên lòng mình:

Sứ Tống
Trương tiết mao phụng mạng sứ thần
Vị dân vị quốc hiếu kỳ thân
Phong sương hà nại trung trường khổ
Quốc thể nan vong Sở dữ Tần
Biên cương bất định sinh đao kiếm
Giới hạn thiên thư dĩ định phân
Sứ sự Tống triều tồn minh mạc
Nhất tâm phụ quốc ắt thành nhân (2)

Dịch thơ:

 Đi sứ nước Tống
Giương cờ đi sứ nước người
Vì dân, vì nước trọn đời hiếu nhân
Gian lao nào quản đường trần
Bảo tồn quốc thể  Sở, Tần sợ ai
Biên cương trời đã phân hai
Dẹp yên binh lửa tấu bài âu ca
Việc đi sứ lắm phong ba
Một lòng báo quốc ắt là thành nhân.
                                      ( Lê Hải dịch)

Đây là lần đầu tiên một người con ưu tú của làng Cổ Định đã làm tròn trọng trách của vua giao phó, giữ hoà hiếu cho đất nước, để dân tộc Việt tiếp tục ổn định và phát triển. Bằng trí thông minh và lòng quả cảm, cương trực, cụ Doãn Anh Khải đã để lại tiếng thơm cho đất nước, quê hương.
NGƯỜI THỨ HAI
Cũng trong triều đại nhà Lý, dòng họ Doãn còn sản sinh một vị sứ thần mà công trạng còn hiển hách hơn nhiều, đó là ông Doãn Tử Tư. Như ông Doãn Anh Khải, gia phả dòng họ Doãn không cho biết ông Doãn Tử Tư sinh và mất năm nào, hưởng thọ bao nhiêu, thi đậu khoa nào chỉ cho biết vào thời vua Lý Anh Tông ( 1139 – 1175), ông Doãn Tử Tư được cử giữ chức vụ Trung vệ đại phu.
Ông là người được vua Lý Anh Tông hai lần cử đi sứ sang nước Tống. Lần thứ nhất vào năm Giáp Thân -  Chính Long Bảo Ứng thứ 2 ( 1164). Lần thứ hai là năm Quý Tỵ - Chính Long Bảo Ứng thứ 11 ( 1173). Mùa thu, sai bọn Doãn Tử Tư sang nước Tống biếu 15 con voi thuần… làm lễ chính lên ngôi ( Tống Hiến Tông), 5 con dùng làm lễ chính trong kỳ lễ lớn, bành voi vua ngồi và các đồ buộc ở ngù chân và đầu voi đều trang sức bằng vàng bạc. Ngoài ra, còn mang theo vàng, bạc, tiền, hương liệu.. Bọn Tử Tư đến Lâm An, vua Tống cho ở quán Hoài An, đãi cơm nước rất hậu rồi dẫn sứ nước ta yết kiến vua Tống để được an ủi … Theo lệ cũ sứ tiến cống chưa bao giờ có đủ ba sứ thần. Đến khi Tử Tư sang vua Lý Anh Tông cho Doãn Tử Tư làm đại sứ, cho Thừa nghị lang là Lý Bang Chính làm chánh sứ; Trung dực lang là Nguyễn Văn Hiến làm phó sứ, sau ba sứ thần ấy là Thư Trạng, Áp Nha, Trương Hành, bồi giới đều đủ cả. Khi đến nơi, vua nhà Tống cho là từ xa đến càng khen là trung thành. Hơn nữa, đoàn sứ thần đầy đủ, vật cống nhiều và đẹp, áo mũ, người vật đều chỉnh tề, sạch sẽ, vua Tống càng vui lòng. Lại nhận thấy vua ta nối ngôi đã lâu cho nên đặc biệt đặt lễ khác thường, ban chiếu cho quan Hữu ty bàn bạc về lễ đặt tên nước cho ta rồi tâu lên ban tên nước là An Nam, phong cho vua ta là An Nam quốc vương, ban cho cái ấn bằng vàng. An Nam gọi là nước bắt đầu từ đấy ( 3).
Đây là một thắng lợi ngoại giao vô cùng quan trọng và rạng rỡ đối với đất nước và nhân dân ta thời bấy giờ. Theo: Việt sử thông giám cương mục triều Nguyễn đánh giá thì: Nước ta từ trước đến nay dù có đánh thắng quân phương Bắc, tự lên làm vua, tự quản lý đất nước nhưng dưới con mắt của họ, Đại Việt vẫn chỉ là một Quận ( Giao Châu, hoặc Giao Chỉ), vua ta vẫn chỉ được phong là Tiết Độ Sứ, cao hơn là Giao Chỉ quận vương hoặc Nam Bình Vương. Nay tình hình đã khác, nhờ chính sách ngoại giao mền dẻo, linh hoạt của nhà Lý và bản lĩnh của đoàn sứ thần mà đất nước đã có tên gọi, độc lập về cương thổ, vua ta chính thức được công nhận là vua của một nước. Tuy nhiên tên An Nam cũng tồn tại mãi cho đến đời vua Minh Mạng ( nhà Nguyễn) mới đổi thành Việt Nam.
Để tỏ rõ tấm lòng trung trinh vì vua vì nước trong sứ mạng khó khăn nguy hiển nhưng cao cả của đoàn sứ thần, cụ Doãn Tử Tư đã viết nên bài thơ:

Thông sứ Bắc
Tiếp phúc tổ tông thông sứ Bắc
Thiên nhai kiên trí học Tô Tần
Chiến tranh dĩ thức thùy siêu việt
Ninh tĩnh giảng hoà hợp ý dân
Phụng chiếu thử hành tầm giai sự
Cùng thừa nhất khứ vãn hồi âm
Toàn ý toàn tâm vị quân quốc
Vạn trùng tiệp bộ khởi tinh thần.(4)

Dịch thơ:

Đi sứ Bắc  
Sứ thần tiếp bước cha ông
Kiên trì học trí của ông Tô Tần
Hoà bình chính hợp lòng dân
Chiến tranh binh lửa bội phần xót đau
Lệnh vua mang nặng trên đầu
Mong tin thắng lợi báo câu khải hoàn
Quyết vì nước lặng, dân an
          Ngàn trùng mỗi bước tinh thần thêm hăng.
                                                                    ( Lê Hải dịch)

Về sự kiện này, sử thần Ngô Thì Sĩ đã có lời bàn: Công gây dựng nước thực bắt đầu từ vua Anh Tông, có thể nói là tốt đấy. Còn như Doãn Tử Tư hai lần vâng mệnh sang Tống, làm tỏ được ý kính thuận, khiến cho Trung Quốc nổi lòng yêu mến, ân huệ ban cho triều đình. Không chỉ vinh quang một thời mà còn để cho các đời sau được nương tựa. Đi sứ như vậy, thật không thẹn với bậc sĩ phu (5).

NGƯỜI THỨ BA
Đến thời nhà Trần, đời vua Trần Minh Tông ( lên ngôi năm Giáp Dần    -1314 - ở ngôi 15 năm, nhường ngôi làm Thái Thượng Hoàng 28 năm), dòng họ Doãn lại có một vị Thượng thư được vua tin tưởng cử làm chánh sứ sang tranh biện với nhà Nguyên về việc tranh chấp biên giới. Đó là Thượng thư Hình bộ Doãn Băng Hiến ( Hài).
Ông Doãn Băng Hiến không rõ năm sinh, ông thi đậu Thái học sinh ( Tiến sĩ) khoa thi Giáp Thìn - tháng 3 năm 1304. ( Khoa thi này làng Cổ Định có 4 người tham dự là các ông: Doãn Băng Hiến, Lê Thân và hai em vợ ông Thân là Lê Duy Tiết, Lê Duy Xử. Cả bốn người đều đậu đại khoa. Thời ấy, đây là sự kiện văn hoá lớn không chỉ của làng Cổ Định mà của cả huyện Nông Cống và xứ Thanh Hoa. Ông Lê Thân chỉ đứng sau Nguyễn Trung Ngạn nên ông được xem là người khai khoa cho huyện Nông Cống). (6)
Mùa hạ năm Nhâm Tuất – Đại Khánh thứ 9 – Trần Minh Tông ( 1322), nhà Nguyên sang tranh giành bờ cõi, sai ty Hành khiển Hình bộ Thượng thư là Doãn Băng Hiến sang Nguyên tranh luận…(7). Ngoài việc hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của vua giao phó tranh biện với nhà Nguyên bảo tồn cương thổ, không để gây chuyện binh đao, ông Doãn Băng Hiến còn để lại bài thơ nói lên chí khí của mình:

Mông Nguyên sứ sự
Lộ đồ viễn cách mệnh quân vương
Vạn thủy thiên sơn nhật nguyệt trường
Bắc địa đoản đình tư cố quốc
Nam phương trường vọng cảnh tha hương
Mông Nguyên sứ sự tồn gian khổ
Lạc Việt phong tư điển kỷ cương
Đan tâm vị quốc thân hà nại
Nguyện đắc yên hàn quy cố hương (8)

Dịch thơ:

Chuyện đi sứ nhà Nguyên
Đường xa  cách trở lệnh vua sai
Vạn núi, nghìn khe tháng ngày dài
Đất Bắc bước đường thêm nhớ nước
Phương Nam  xa vọng ý không phai
Nguyên Mông đi sứ đầy thử thách
Lạc Việt non sông giữ hoà hài
Vì nước, vì vua lòng son sắt
Mong  được yên hàn buổi quy lai.
                                          ( Lê Hải dịch)

Bất cứ người nào xa quê hương đất nước đều ao ước được bình yên trở lại cố hương. Huống chi vị Thượng thư Doãn Băng Hiến hơn một năm sống nơi đất Bắc, chẳng lúc nào lòng lại không nhớ đến quân vương, đến non sông Lạc Việt, đến quê cha đất tổ ngàn Nưa. “ Mong được yên hàn buổi quy lai”, lòng mong ước trong bài thơ, ông đã không thực hiện được. Vì sự căng thẳng trong thực thi nhiệm vụ tranh luận buộc nhà Nguyên tôn trọng lãnh thổ đất nước và không có cớ để gây chuyện xâm lấn cùng bao nỗi gian lao vất vả trên đường mà sau khi hoàn thành nhiệm vụ ông đã thọ bệnh mất trên đường trở về đất nước.
Được tin, vua Trần Minh Tông và quan lại đồng liêu vô cùng thương tiếc. Để tưởng thưởng cho công lao và tưởng nhớ tài năng, đức độ của ông, nhà vua đã truy tặng ông Doãn Băng Hiến hàm Thiếu phó, tước Hương đình hầu, ban tặng đất đai lập ấp Doãn Xá, nay thuộc xã Đông Thịnh, Huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Ngoài ba vị chánh sứ làm rạng danh đất nước quê hương nêu trên, dòng họ Doãn đến thời Lê sơ lại xuất hiện một vị Khai quốc công thần Doãn Nổ. Năm 1407, nhà Minh ( Trung Quốc) sau khi diệt nhà Hồ đã quay ra đàn áp các cuộc khởi nghĩa của người Đại Việt. Làng Cổ Định gắn liền với ngàn Nưa, vốn là căn cứ quân sự của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu ( 246 – 248) chống lại ách đô hộ của giặc Ngô ( Ngô Quyền), cũng  là nơi cung cấp con người, lương thực cho các cuộc khởi nghĩa trong vùng chống lại giặc Minh.
Năm 1415, tướng giặc là Trương Phụ, trong một lần vây đánh cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Chích ( tại núi Hoàng Nghiêu – huyện Nông Cống) đã vây đánh “ diệt chủng” cả làng Cổ Định. Trong gia phả những dòng họ lớn làng Cổ Định đều ghi câu: “ Dư tam thiên nhân, Ngô tàn tận hẩy, tồn thập bát đinh”. Hơn 3000 nghìn người bị giặc Minh giết hại, chỉ 18 người nam giới chạy thoát. Trong số 18 người ấy có ông Doãn Nổ, Lê Lôi, Lê Thìn ( cháu 5 đời của ông Lê Thân), sau đầu quân theo Lê Lợi trở thành những vị Khai quốc công thần.(9)
Riêng ông Doãn Nổ, không chỉ tham gia mười năm kháng chiến chống giặc Minh dưới trướng Lê Lợi mà sau khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ông vẫn là vị tướng trung dũng nhiều lần mang quân đi đánh dẹp loạn quân và giặc Chiêm Thành quấy nhiễu biên cương.
 Cuối đời, ông Doãn Nổ được điều về làm Quản đạo trấn Sơn Nam ( chức vụ Trụ quốc Thượng tướng quân, tước Quang phục hầu, được ban Quốc tính Lê Nổ). Ông được ban lộc điền tại Phương Chiểu ( cách Phố Hiến 4 km). Ông Doãn Nỗ mất năm 1439. Hiện nay tại Phương Chiểu còn có đền thờ Doãn tướng công gọi là : Công thần miếu. Trước miếu có đôi câu đối:

Lam Sơn vận dực Lê Hoàng thống
Khai quốc công thần Doãn tướng quân (10)

Dịch nghĩa:

Lam Sơn dựng lên triều vua Lê
Khai quốc công thần tướng họ Doãn.

                                                                            L.H

Chú thích:

1-     Đại Việt sử ký tiền biên ( Ngô Thì Sĩ), trang 271, NXB KHXH, 1997
2-     Gia phả họ Doãn ( Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hoá)
3-     Đại Việt sử ký tiền biên ( Ngô Thì Sĩ), trang 292-293, NXB KHXH, 1997
4-     Gia phả họ Doãn ( Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hoá)
5-     Đại Việt sử ký tiền biên ( Ngô Thì Sĩ), trang 294, NXB KHXH, 1997
6-     Gia phả họ Lê Đình ( Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hoá) quyển thượng
7-     Đại Việt sử ký tiền biên ( Ngô Thì Sĩ), trang 423, NXB KHXH, 1997
8-     Gia phả họ Doãn ( Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hoá)
9-     Gia phả các dòng họ Lê, Lê Đình, Doãn… ( Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hoá)
10- Cổ Định-đất và người ( Lê Bật Xuân), trang 90-91, NXB Đại học sư phạm, 2008
                                                                  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét